Vĩnh Long: Khởi nghiệp tuổi "gừng già"

26/10/2023 - 22:17

Chiếm tỷ lệ 11,79% dân số, rất nhiều người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Khởi nghiệp ở tuổi “lên lão”, NCT vừa trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, vừa là chỗ dựa tinh thần và tấm gương sáng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ học tập.

A A

Tuổi cao bền chí làm giàu

Thấm nhuần lời Bác dạy “Tuổi cao chí khí càng cao”, những năm qua, NCT trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, tạo sức lan tỏa cộng đồng trên mọi lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực làm kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 

Chủ tịch Hội NCT tỉnh- Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, phong trào NCT làm kinh tế giỏi được triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia tích cực của hội viên. Trong giai đoạn 2018-2023, qua phát động thi đua ở các cấp hội đã có hơn 15.000 NCT đăng ký tham gia làm kinh tế giỏi; trong đó có 14.639 NCT được bình xét làm kinh tế giỏi ở 4 lĩnh vực.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 428 NCT sản xuất kinh doanh có lợi nhuận hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên. Qua phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, NCT không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tạo sinh kế, việc làm cho hơn 9.600 lao động, góp phần ổn định cuộc sống cho 1.173 hộ gia đình có NCT. 

Nêu gương sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hội viên NCT đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Đơn cử như mô hình sản xuất cây giống chất lượng cao, vườn cây ăn trái và nuôi lươn của ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty Nông trang ISLAND (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ).

Nhiều người cao tuổi tham gia làm kinh tế giỏi, lao động sản xuất với kinh nghiệm, sự mạnh dạn, tâm huyết.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Trí Nghiệp vẫn đam mê, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh đem hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mấy năm gần đây, ông phát triển mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng các hệ thống lọc tuần hoàn, nhờ đó đã tiết kiệm được lượng nước và nhân công đáng kể.

Lươn sinh trưởng tốt, rút ngắn thời gian nuôi, ít hao hụt. Trong 5 năm qua, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của ông đạt hơn 5,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận 3,5 tỷ đồng.

Ông Trí Nghiệp chia sẻ: “Ngày ấy, tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với những đồng vốn khiêm tốn có được và gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã nhiều lần thất bại tưởng chừng không thể tồn tại nổi. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, đoàn thể, bạn bè, người thân, tôi đã lớn lên và từng bước gặt hái được những kết quả đáng khích lệ”.

Còn đối với ông Lý Văn Út (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn), xác định muốn giỏi phải có tầm nhìn, tư duy đổi mới, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, ông đã mạnh dạn chuyển từ 3ha đất ruộng sang trồng cam sành. Ông đã nỗ lực nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm bạn bè để khắc phục những khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, đậu trái thời gian đầu canh tác.

Nhờ vậy mà sau 3 năm, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch. Với 3ha, ông Út thu hoạch 300 tấn cam, giá 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 2,1 tỷ đồng trong thời gian qua. Không chỉ vậy, ngoài diện tích cam sành, ông còn canh tác gần 1ha vườn dừa đang cho trái, chăn nuôi heo, gà, cá… góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

“Gừng càng già càng cay”

Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ), ông Trần Văn Hiền đã có nhiều đóng góp, từng bước đưa HTX phát triển, tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, mở rộng đầu ra sản phẩm cho thành viên.

Qua 20 năm thành lập, HTX hiện đã có trên 30 thành viên và 80 lao động trực tiếp, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Dù đã ở tuổi 70, không còn sức khỏe trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh nhưng ông vẫn là “đầu tàu” không thể thiếu, góp phần duy trì sự vận hành ổn định của HTX.

Ông Trần Văn Hiền phấn khởi khi đã từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thành viên để nâng giá trị hàng hóa, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Qua các năm, HTX đều hoạt động có lãi, mang lại thu nhập cho các thành viên.

Chủ tịch Hội NCT tỉnh- Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục phát triển phong trào, nhân rộng các mô hình hiệu quả để thu hút nhiều NCT tham gia. Hội sẽ tích cực phối hợp các ngành, địa phương tạo điều kiện để NCT nghiên cứu, cập nhật kiến thức để phục vụ sản xuất, đồng thời luôn đồng hành và định hướng hỗ trợ con cháu mở rộng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Ông Trần Văn Hiền (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) vẫn gắn bó với HTX, tạo sinh kế cho lao động địa phương.

Ông Trần Văn Hiền (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) vẫn gắn bó với HTX, tạo sinh kế cho lao động địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý các ngành, đoàn thể và địa phương cần quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, định hướng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế và sức khỏe NCT; tuyên truyền hướng dẫn NCT ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, giúp NCT tiếp cận và thích nghi với yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất, kinh doanh. 

Các ngành, địa phương cần có phương án phối hợp với hội NCT hỗ trợ cho 3.600 hộ NCT nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn còn điều kiện sản xuất để triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, giúp các hộ này thoát nghèo, cận nghèo qua đó nâng cao mức sống cho NCT. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh kỳ vọng NCT trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, những ý tưởng, sáng kiến sản xuất kinh doanh hiệu quả; tích cực nghiên cứu, cập nhật kiến thức, thông tin khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất, cùng định hướng hỗ trợ con cháu mở rộng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh, chú trọng mô hình ứng dụng công nghệ, hướng đến sản xuất xanh, phù hợp với bối cảnh NTM.

Theo TUYẾT NGA (Báo Vĩnh Long)