Chưa coi phụ phẩm là tài nguyên
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn và sản lượng vật nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn heo đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con.
Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.
Ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh, nhưng kèm theo đó là những tác động nhất định đối với môi trường.
Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xử lý vấn đề môi trường trong chăn nuôi.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: Ngành chăn nuôi với khối lượng chất thải hàng vài trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí), mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để sử dụng cho hợp lý đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân có nhiều cách để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.
“Có nhiều ý kiến quan tâm việc xử lý phân, nước thải… chăn nuôi mà chưa bàn tiếp những vấn đề phế phẩm khác như xương, sừng của động vật sau khi chế biến sẽ bỏ đi đâu, xử lý như thế nào; các vấn đề ô nhiễm không khí… Đó cũng là những phế phẩm của ngành chăn nuôi cần có giải pháp giải quyết”, ông Tùng nói.
Ông Dương Tất Thắng- Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng: Nguyên tắc cốt lõi của KTTH trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến. Nhưng còn những hạn chế về: vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo bà Nguyễn Giang Thu- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường, hiện nay các mô hình như vườn- ao- chuồng (VAC); luân canh lúa- tôm, lúa- cá; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò- trùn quế- cỏ/bắp- gia súc, gia cầm- cá; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước… đang được triển khai khá hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế KTTH ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp.
“Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần được xử lý để tiếp tục tuần hoàn”, bà Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Phong- Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức về KTTH quy mô nhỏ- vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, HTX còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.
Thúc đẩy phát triển kinh tế chăn nuôi tuần hoàn
Đề xuất giải pháp để chăn nuôi bền vững, an toàn, nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất.
Tiếp đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình.
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của KTTH trong chăn nuôi, TS Nguyễn Văn Bắc- đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia thường trực tại Nam Bộ, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật với 2 công nghệ cốt lõi.
Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng KTTH, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang manh nha phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ chăn nuôi tuần hoàn…
Ông Dương Tất Thắng đánh giá: KTTH là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau. KTTH cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.
Do đó, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.
Theo Báo Vĩnh Long