Cây tía tô xanh trong những ngày đầu bén rễ trên đất Long Mỹ.
Giải “bài toán” nhu cầu nhân công lao động
Theo lời “rủ rê” của Hội Nông dân xã Long Mỹ, ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã đến nông trại trồng tía tô xanh để tìm hiểu về công việc của các nhân công. Chị Nguyễn Thị Ánh (ấp Long Hòa 2) cho biết, công việc của các chị thường bắt đầu từ 6- 10 giờ sáng, còn buổi chiều là từ 2- 6 giờ để “né” cái nắng gắt buổi ban trưa. Ai có nhu cầu thuê nhân công lao động thì chỉ cần liên hệ với một trong các chị em trong nhóm, một người biết sẽ thông tin cho cả nhóm và xúm nhau làm.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Thúy (ấp Long Hòa 1), là người làm “bá nghề”, bởi “nghề nào cũng mần”, từ trồng củ cải đến cắt thanh long… theo kiểu “ai mướn gì làm nấy”, “cũng nhờ địa phương phát triển mô hình trồng màu mà tui cùng các chị em có được việc làm thường xuyên”- chị Thúy cười tươi.
Tranh thủ làm cỏ xung quanh cho thông thoáng, ông Nguyễn Hữu Vẫn (quản lý nông trại trồng tía tô xanh) cho biết: Đây là giống mới ở địa phương, nên tôi theo suốt từ những ngày đầu làm đất cho đến nay. Cây được xuống giống từ từ để thu hoạch xen kẽ, thông thường trồng khoảng 3 tuần là có thu hoạch.
Qua sự kết nối và kêu gọi đầu tư của địa phương, anh Danko Tran- Việt kiều Úc- đã thuê đất đầu tư nông trại trồng tía tô với hệ thống tưới nước phun sương, đèn chiếu sáng để bảo đảm nhiệt độ… cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Theo anh Danko Tran, bước đầu, cây tía tô xanh được trồng thử nghiệm trên 7.000m2. Sau đó sẽ nhân rộng với diện tích gần gấp đôi. Mô hình này tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, tới vụ thu hái lá thì cần đến 50 người/ha.
Ông Lê Hùng Mẫn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ- cho biết: Do tính chất công việc, nên thông thường các lao động nữ được trả tiền công 150.000 đ/ngày hoặc 15.000 đ/giờ, còn lao động nam thì 200.000 đ/ngày hoặc 20.000 đ/giờ
. Với nhu cầu về nhân công lao động ngày càng nhiều, hội đã thành lập 2 tổ hội nghề nghiệp cung ứng lao động và thu hoạch nông sản ấp Long Phước và Long Khánh với 23 lao động tham gia nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hội viên và từng bước giải “bài toán” về nhu cầu nhân công lao động tại chỗ.
Bên cạnh, hội còn thành lập các tổ hội trồng màu trên đất lúa, trồng củ cải an toàn sinh học trên đất ruộng và chi hội nghề nghiệp trồng khoai mỡ an toàn sinh học. Theo ông Lê Hùng Mẫn, thông qua các mô hình tổ hội, chi hội nghề nghiệp sản xuất hàng nông sản này, nhằm giúp nông dân tạo ra lượng hàng hóa lớn, dễ tiêu thụ.
Đồng thời, hội cũng định hướng sẽ tiếp tục nhân rộng ra các ấp, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản có chất lượng, an toàn sinh học và quen dần với cách làm ăn kinh tế tập thể, góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.
Ý tưởng vừa làm du lịch vừa làm nông
Theo anh Danko Tran, trước khi trồng tía tô xanh ở xã Long Mỹ, anh đã đầu tư một nông trại ở xã Hòa Phú (Long Hồ) và có đầu ra ổn định, anh dự kiến sẽ mở rộng liên kết với nông dân có đất canh tác và có nhu cầu chuyển đổi cây trồng nhưng thiếu vốn đầu tư, anh sẽ cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý và thu mua sản phẩm.
Hiện, lá tía tô xanh được thu hái tươi và bán để làm kim chi xuất khẩu đi các nước trên thế giới, nơi có người Hàn Quốc và Nhật Bản sinh sống. Lá tía tô xanh còn được cung ứng cho các chuỗi nhà hàng thịt nướng vì lá tươi giúp tăng hương vị thịt nướng. Hiện, giá bán lá tía tô xanh từ 16.000- 27.000 đ/kg, thời điểm rộ có thể cho năng suất 8 tấn lá/ha/tháng, thời gian khai thác là 9 tháng, lợi nhuận từ 15- 20 triệu đồng/ha/tháng.
Là quản lý cấp cao của một công ty du lịch ở Úc, nhưng anh Danko Tran lại về Vĩnh Long đầu tư mô hình trồng tía tô xanh. Chúng tôi hỏi về cơ duyên đến với nghề, anh chia sẻ: Do gặp được những người bạn đã từng trồng mô hình tía tô xanh khá thành công, lại được người quen ở Vĩnh Long kết nối và vốn là người yêu thích miền Tây sông nước nên anh đã “bén duyên” làm nông.
Anh Danko Tran cũng hình thành ý tưởng vừa làm du lịch vừa làm nông, nhưng tất cả vẫn còn ở bước sơ khởi. Ngoài kinh doanh gắn với lợi nhuận, anh Danko Tran cho rằng: “Việc đầu tư cho mô hình nông nghiệp này còn gắn với mục đích xã hội- đó là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và sinh viên. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa”.
Lá tía tô xanh được xếp cẩn thận trước khi đem bán.
Cũng sau khi về Vĩnh Long đầu tư thêm nghề tay trái thì dịch COVID-19 bùng phát và ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó cũng là lúc anh tập trung toàn sức lực để thực hiện ý tưởng làm nông của mình.
Theo anh Danko Tran, trước mắt anh tập trung đầu tư trồng tía tô xanh, sau đó sẽ đa dạng hóa và mở rộng quy mô cho các nông sản khác như khóm MD2, ớt, cải thảo… theo kiểu vừa làm vừa nhờ tư vấn của các giảng viên chuyên ngành nông nghiệp hay bạn bè là nông dân, để từ đó ra được mô hình chung và ứng dụng rộng rãi cho các hộ dân.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ Lê Hùng Mẫn cho biết: Để góp phần cùng địa phương thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, hội tiếp tục vận động nhân dân chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế và sản xuất theo hướng an toàn sinh học, góp phần giúp hội viên, nông dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện xã Long Mỹ có hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp và tổ hợp tác trồng khoai mỡ theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng và duy trì các mô hình tổ hội, chi hội nghề nghiệp. Đây là “bước đệm” nhằm hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.
Theo XUÂN TƯƠI (Báo Vĩnh Long)