Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cùng đoàn giám sát của Tỉnh ủy tham quan trực tiếp mô hình nuôi lươn tại trang trại lươn giống Thanh Tân (xã Đồng Phú).
Liên kết phát triển NN địa phương
Thực hiện Nghị quyết Huyện ủy năm 2020, kinh tế huyện Long Hồ tiếp tục phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất ngành NN- thủy sản tăng 1,48%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 3,69%; giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản ước cả năm trên 2.575 tỷ đồng, đạt 100,31% so với nghị quyết đề ra.
“Xác định ngành NN giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện, những năm qua, huyện tập trung phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới”- đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- cho biết.
Đến nay, huyện đã triển khai 12 mô hình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, đạt nhiều kết quả tích cực trong liên kết phát triển sản xuất NN. Việc đẩy mạnh thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng ở các xã cù lao mang lại dấu hiệu khả quan. Cụ thể, đã thành lập tổ hợp tác trồng nhãn Ido xã Hòa Ninh, tổ hợp tác trồng nhãn xuồng cơm vàng xã An Bình.
Song song đó, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế ổn định như mô hình trồng nấm bào ngư (xã Long Phước) với lợi nhuận đạt từ 15- 16 triệu đồng/1.000 phôi; mô hình nuôi cá tai tượng ở xã Đồng Phú, lợi nhuận trên 8,5 triệu đồng/2.000 con; mô hình nuôi lươn không bùn (xã Bình Hòa Phước) được nhiều địa phương đến tham quan, học tập, thu lợi nhuận từ 30- 32 triệu đồng/2.000 con; mô hình nuôi ếch trong vèo (xã An Bình và Tân Hạnh) được duy trì, thu lợi nhuận trên 4,6 triệu đồng/hộ/2.000 con; mô hình nuôi dê (xã Bình Hòa Phước và Thanh Đức); mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh thái được thực hiện ở các xã, lợi nhuận 3,8 triệu đồng/100 con.
“Xem NN- nông dân- nông thôn là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, các mô hình kinh tế có tiềm năng phát triển, đem lại lợi nhuận cao cho người dân sẽ tiếp tục được huyện Long Hồ triển khai nhân rộng trong thời gian tới”- Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Long Hồ- Hồ Thế Nhu cho biết.
Ứng dụng kỹ thuật cao, phát triển NN bền vững
Thực hiện xây dựng nền NN sinh thái phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật công nghệ cao trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công nhân tại trang trại lươn giống Thanh Tân (xã Đồng Phú) đang tích cực thu hoạch lươn giống dù đã vào cuối mùa lươn sinh sản. Chia sẻ về kỹ thuật ươm lươn giống thành công ngay cả khi “trái mùa”, chị Phạm Thị Diệu- Chủ trang trại lươn giống Thanh Tân- cho biết: “Hiện tại trang trại lươn Thanh Tân đã ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới, cho lươn bố mẹ sinh sản và tỷ lệ ấp nở đạt đầu con giống lên đến 90%”.
Với diện tích 1,9ha, trung bình mỗi tháng trang trại cung cấp cho thị trường hơn 800.000 con lươn giống. Hoạt động ổn đinh, trang trại đang tạo việc làm cho 40 lao động tại địa phương với thu nhập 6- 6,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh ươm lươn giống, Trang trại lươn giống Thanh Tân còn nuôi lươn thịt thương phẩm. So sánh mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm với vườn cây ăn trái cùng diện tích trên 1 năm, hiệu quả kinh tế mang lại từ nuôi lươn cao hơn gấp 8 lần.
Sau thành công của trang trại, chị Diệu cho biết đang chuẩn bị cho việc thành lập công ty được đầu tư quy mô lớn, chuyên sản xuất cung cấp lươn giống, lươn thương phẩm và sản phẩm thực phẩm từ lươn. Dự tính khi hoàn thành vào năm 2021, công ty sẽ cung cấp cho thị trường 8-10 triệu con giống chất lượng và 100 hồ nuôi lươn thương phẩm.
Theo anh Nguyễn Thanh Long- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú, mô hình nuôi lươn giống của hộ gia đình Phạm Thị Diệu đến nay đã cho hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần giải quyết lao động tại địa phương. Đồng thời, thực hiện nhân rộng mô hình, đã thành lập được Chi hội Nuôi lươn xã Đồng Phú với 20 thành viên tham gia sản xuất.
Mô hình nuôi lươn thương phẩm đã được nhân rộng góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đến thăm mô hình nuôi lươn thương phẩm của hộ gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm (xã Bình Hòa Phước), những con lươn thương phẩm đạt chuẩn đang chuẩn bị xuất bán. Với 25 hồ nuôi lươn hiện tại, anh Nguyễn Hoàng Lâm nuôi 7,5 tấn lươn thương phẩm/đợt/10 tháng. Giá lươn thương phẩm dao động từ 175.000- 185.000 đ/kg.
“Nghề nuôi lươn thương phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất đồng thời mở các lớp tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình đang nuôi lươn trên địa bàn xã”- anh Nguyễn Hoàng Lâm kiến nghị.
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NN- PTNT đề nghị UBND huyện Long Hồ, UBND xã tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi lươn giống, lươn thương phẩm chất lượng cao. Đồng thời, sẽ nghiên cứu ứng dụng kế hoạch sản xuất lươn giống do sở làm đề tài, để nuôi lươn trở thành mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với việc chuyển đổi vật nuôi cho nhiều nông hộ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- yêu cầu huyện Long Hồ tiếp tục phát huy những mặt tích cực, ưu thế của huyện, biến khó khăn thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế. Cần có đánh giá tổng thể các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất NN, hỗ trợ tập trung và nhân rộng các mô hình hiệu quả và định hướng cho người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo YẾN- NGA (Báo Vĩnh Long)