Đời sống được thoải mái hơn xưa nên người dân xã Hòa Thạnh có thời gian chăm chút, làm đẹp cảnh quan. Trong ảnh: Ông Chí chăm sóc cây xanh cặp lộ trước nhà.
Chuyển ruộng lên vườn cho hiệu quả cao
Trước đây, anh Phan Như Thảo (Ấp 3) trồng 10 công lúa, nhưng đất lầy nên cứ vào vụ Hè Thu và Thu Đông thì máy cắt lúa phải bỏ một khoảnh. Qua vận động của địa phương về chuyển đổi cây trồng, anh Thảo là người đầu tiên trong ấp chuyển ruộng lên vườn. Bước đầu chuyển 3 công, sau đó thì chuyển hết lên vườn trồng sầu riêng và bưởi da xanh, cùng thời điểm đó bà con xung quanh cũng “mỗi năm đều có chuyển”.
Anh Thảo cho biết, cây bưởi da xanh mới cho trái chiếng, còn sầu riêng thì năm rồi cho thu hoạch 25 tấn trái/công, giá bán 55.000 đ/kg, lời gấp nhiều lần so cây lúa, “nhờ được mùa, được giá, nên đời sống người dân những năm gần đây rất thoải mái”- anh Thảo nói và nhận xét- “Mỗi năm thấy quê hương mình thay đổi từng chút, giờ nhìn lại là đã thay đổi nhiều quá!”
Chuyển ruộng lên vườn giúp đời sống người dân xã Hòa Thạnh khấm khá hơn. Trong ảnh: Ông Hoàng (phải) bên vườn nhãn đang trổ bông.
Từ đất ruộng, ông Hồ Huy Hoàng (ấp Thạnh Trí) cũng chuyển lên vườn và hiện có 20 công đất trồng nhãn Ido. Theo ông Hoàng, trồng nhãn chỉ đầu tư 1 lần rồi “ăn hoài” và cây càng lớn cho năng suất càng cao. Năm đầu tiên cây cho trái chiếng khoảng 40 kg/cây, sau tăng dần lên hơn 100 kg/cây.
Tuy sống ở quê, nhưng ngay khi có công nghệ, ông Hoàng đã sớm cập nhật để “không bị tụt hậu so với thời đại”. Vừa nói, ông mở điện thoại cho chúng tôi xem ứng dụng “Bệnh viện cây ăn quả”, khi trồng cây có bị gì thì chỉ việc chụp hình lên hỏi và sẽ được giải đáp thắc mắc.
“Giờ làm nông phải có kiến thức, muốn làm “trúng” cũng phải suy nghĩ, trăn trở đủ chiều, biết tiếp cận công nghệ, xử lý kỹ thuật, học hỏi thêm từ sách báo, mạng Internet và nông dân…”- ông Hoàng nói và chỉ tay vào vườn nhãn 8 tuổi to lớn đang bung trà, xổ nhụy đầy cây- rồi tiếp lời: “Để làm được như vậy tui phải học hỏi rất nhiều và kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Cây càng lớn thì kỹ thuật làm bông phải càng cao”.
Với gần 12 công vườn kém hiệu quả, ông Huỳnh Phước Chí (ấp Thạnh Trí) đã chuyển sang trồng sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… và “cho hiệu quả gấp 20 lần”- ông Chí nói và cho rằng: nhiều người dân trong xã đang ngày càng khấm khá.
Sầu riêng là một trong những cây trồng được chọn làm sản phẩm đặc trưng của xã Hòa Thạnh. Trong ảnh: Anh Thảo (phải) bên vườn sầu riêng đang cho trái.
Đó là nhờ xã đầu tư đê bao liền lạc, giúp nông dân chủ động nước tưới và tiêu; cầu khỉ được xóa bỏ, giao thông thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh, điện, nước, phương tiện nghe nhìn, Internet… được bao phủ khắp xã, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống dân sinh.
Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, đến nay diện tích trồng lúa giảm 5,8%; màu tăng gần 31,2%; vườn cây ăn trái tăng 3,9% so nhiệm kỳ trước; từ đó nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 134 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Trần Văn Bảy- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thạnh
Nhiệm kỳ 2020- 2025, xã Hòa Thạnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển giao thông nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tiếp tục thực hiện phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” nhất là trong xây dựng giao thông, thủy lợi; phấn đấu đầu nhiệm kỳ xã đạt chuẩn NTM và những năm tiếp theo đạt 15/19 tiêu chí NTM nâng cao, 3/19 tiêu chí NTM kiểu mẫu và 2 ấp NTM kiểu mẫu.
Xác định cây trồng chủ lực
Đồng chí Trần Văn Bảy- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thạnh- cho biết: Cây ăn trái được xác định là trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vì vậy Đảng ủy xã đã vận động cải tạo 100% vườn kém hiệu quả và trồng mới 30ha, nâng diện tích vườn toàn xã lên 539ha, chủ yếu trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Hiện, xã có 5ha sầu riêng và 15ha măng cụt. Đây là 2 cây trồng được chọn làm sản phẩm đặc trưng của xã trong nông nghiệp để vận động nhân dân sản xuất theo hướng an toàn và từng bước đề nghị huyện chứng nhận sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.
Ngoài phát triển vườn cây ăn trái, xã Hòa Thạnh còn nhân rộng mô hình trồng hoa, cây kiểng tạo nguồn thu khá cho nông dân.
Bên cạnh, xã cũng duy trì và phát triển cơ sở dịch vụ nông nghiệp, đảm bảo phục vụ tốt từ khâu làm đất, gieo, cấy, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch, so nhiệm kỳ trước tăng 15 cơ sở.
Đồng thời, tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư, giải quyết việc làm trên 410 lao động, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng; duy trì và phát triển 5 cơ sở chế biến thực phẩm và 8 tổ gia công hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm gần 260 lao động, thu nhập 1,5- 3 triệu đồng/người/tháng.
Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã trên 46 triệu đồng/năm (2019); giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,1% (năm 2015) xuống còn 1,2%, vượt 0,2% so nghị quyết.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Bảy, xác định nông nghiệp vẫn là kinh tế chủ lực của xã, nhiệm kỳ tới xã đề ra các khâu đột phá, trong đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo mối liên kết đầu vào, đầu ra ổn định hiệu quả; chú trọng phát triển kinh tế vườn theo hướng chuyên canh, kinh tế tập thể, sản xuất an toàn, tập trung và xây dựng sản phẩm OCOP.
Xã Hòa Thạnh hiện có 99% diện tích trồng lúa được cơ giới hóa, 99% áp dụng biện pháp “3 giảm 3 tăng”; 95% trồng lúa chất lượng cao. Tuy diện tích trồng lúa giảm 51ha, nhưng năng suất tăng 0,4 tấn/ha, sản lượng tăng 3.013 tấn so nhiệm kỳ trước. Cánh đồng mẫu lớn được mở rộng 530ha; duy trì sản xuất lúa giống hàng năm 40ha; xây dựng mô hình sản xuất lúa bán hữu cơ 12ha; thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 240 hộ, diện tích 110ha có hợp đồng hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Đảng ủy xã Hòa Thạnh đã chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển chăn nuôi quy mô lớn, thủy sản và rau màu theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và tận dụng mặt nước mương vườn nuôi thủy sản, tổng đàn heo tăng 127%, bò tăng 110%, gia cầm tăng 98%, thủy sản tăng trên 17,6% so nhiệm kỳ trước; vận động nhân dân trồng màu luân canh, xen canh với diện tích 538,4 ha, trong đó màu xuống ruộng 115,6ha; trồng nấm rơm 279ha; duy trì và nhân rộng mô hình trồng hoa kiểng (2,5ha) cho lãi cao, nhất là trồng hoa tết.
Theo XUÂN TƯƠI (Báo Vĩnh Long)