Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và tương ứng với tỷ lệ 31% tổng tử vong toàn cầu. Một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, chiếm tới 75%, trong đó có Việt Nam.
“Toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, có những bệnh nhân chỉ mới ngoài 20 tuổi đã mắc chứng nhồi máu cơ tim cấp do thói quen chủ quan, xem thường sức khỏe, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, có chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến béo phì… Những bệnh nhân này cần được cấp cứu kịp thời, được nong và đặt stent mạch vành mới có thể thoát khỏi biến chứng nguy hiểm.
Siêu âm tim giúp bác sĩ quan sát cấu trúc và hoạt động của tim.
Tại các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, thời gian gần đây, người trẻ đến khám các bệnh lý về tim mạch ngày càng nhiều như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim,… để lại nhiều gánh nặng bệnh tật. Không chỉ người già, người trẻ trong nhóm 30-40 tuổi ngày càng có nhiều người mắc các bệnh tim mạch.
Có những người chỉ khoảng 30 tuổi cũng xảy ra tim ngừng đập đột ngột và nguy cơ đột tử rất cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với sức khỏe tim mạch của mình.
Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu của BVĐK Vĩnh Long, thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một tai biến cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Bởi, nó diễn ra rất nhanh, với những dấu hiệu dễ trùng lắp bỏ qua. “Nguy cơ của bệnh tim mạch như hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu;…
Đặc biệt, thường xuyên bị áp lực và căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân ngấm ngầm gây ra những bệnh lý liên quan đến tim mạch. Nếu bất chợt xuất hiện khó thở hoặc khó thở thường xuyên, đau thắt ngực, tự nhiên tím tái, đi lại chân mỏi hoặc hồi hộp bất thường thì có thể là các bệnh tim mạch và cần được thăm khám ngay”- BS Lê Thanh Đức khuyến cáo.
Thay đổi lối sống phòng bệnh tim mạch
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch đều có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… do chế độ ăn uống không khoa học, lối sống tùy tiện, ăn nhiều chất ngọt, mặn, mỡ… Thêm vào đó, việc lười vận động, tình trạng thừa cân béo phì, thói quen hút thuốc lá thường xuyên cũng là các nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch.
Các bệnh tim mạch như: suy tim, thấp tim, hở van tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim... cùng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... có liên quan mật thiết đến nhau và làm tăng nguy cơ tử vong ở các bệnh tim mạch. Đây được xem là “kẻ giết người thầm lặng” và có xu hướng ngày càng gia tăng bởi lối sống không lành mạnh.
Tuy nhiên, các bệnh lý này lại hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được nếu được trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và bài tập vận động phù hợp. Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc đúng chỉ định bác sĩ.
Bên cạnh đó, những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh cũng góp phần giúp can thiệp và xử trí phần lớn các vấn đề tim mạch nếu được phát hiện sớm.
Việc thay đổi lối sống, sinh hoạt hợp lý, giảm stress và giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…) là rất quan trọng để giữ cho trái tim khỏe. “Cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường rau xanh, trái cây tươi; giảm chất mỡ động vật…
Tránh xa những thức ăn chế biến sẵn, không ăn quá ngọt, quá mặn hoặc quá nhiều tinh bột. Tuyệt đối không hút thuốc lá chủ động và cả hút thuốc lá bị động; hạn chế rượu, bia. Đồng thời, có chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu là 30 phút mỗi ngày”- BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa BVĐK Vĩnh Long, khuyến cáo.
Để phòng bệnh tim mạch, Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc thực hiện lối sống khỏe mạnh bao gồm ăn uống, luyện tập, tránh thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều… cho đến khám sức khỏe định kỳ.
Tuyên truyền để người dân biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu… và đặc biệt phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác để có phương án điều trị kịp thời nhằm tránh các biến cố tim mạch cũng như tránh tái phát.
Theo THÚY QUYÊN (Báo Vĩnh Long)