Hiệu quả tích cực
Theo Sở NN-PTNT, trong năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển NN ứng dụng CNC, nhiều mô hình sản xuất mới đã ra đời, hình thành và nhân rộng. Việc đẩy mạnh và tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp với nông dân thực hiện theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền NN của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều sản phẩm NN của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu.
Trong năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, ngành NN còn lồng ghép chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân; xây dựng mô hình sản xuất NN tích hợp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị, đảm bảo đầu ra và thân thiện môi trường.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, sản xuất theo công nghệ cao được mở rộng thị trường.
Tại huyện Vũng Liêm, bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng NN-PTNT huyện, cho biết: Năm 2023, ngành NN huyện đã phối hợp tổ chức 29 lớp tập huấn với 684 nông dân tham dự trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt đối với lĩnh vực xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cũng như thị trường nội địa đối với cây lúa, sầu riêng, dừa, bưởi da xanh, cam sành.
Qua đó, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng phân bón, thuốc hóa học một cách hiệu quả và an toàn trong NN như áp dụng IPHM, áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng GAP, VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình sản xuất theo tuần hoàn trong sản xuất NN…
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, tiến bộ kỹ thuật về sử dụng nguồn giống đạt chất lượng, phương pháp giảm giống gieo sạ, tiết kiệm nước tưới, giảm nhân công và tổn thất sau thu hoạch, giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi và thủy sản... được áp dụng nhuần nhuyễn và nhân rộng trong thực tế sản xuất.
Theo đó, mức độ đầu tư và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân dần cải thiện rõ rệt (nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê đất để mở rộng diện tích, chủ động sản xuất theo quy trình đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa,...) để tạo ra sản phẩm đủ lớn về số lượng, giá thành thấp, cạnh tranh cao.
Đến nay, kết quả ứng dụng CNC thông qua áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP, hữu cơ tiếp tục được nhân rộng.
Toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương, an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, cụ thể có 9 cơ sở trồng trọt được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương; có 24 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh; có 5 cơ sở thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương.
Có 117 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, hơn 2.200ha, 13 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, và 47 mã số nội địa với hơn 530ha.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Dù vậy, phát triển NN CNC của tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn. Các dự án được mời gọi đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn, chưa hình thành vùng, khu NN ứng dụng CNC và chưa có doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp NN ứng dụng CNC theo quy định.
Chính sách đặc thù về phát triển NN ứng dụng CNC; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm hỗ trợ phát triển HTX... đã được ban hành, song việc tiếp cận chính sách chưa hiệu quả. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NN chủ yếu tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào giống cây trồng, vật nuôi trong khi chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi... còn hạn chế.
Việc thống kê, theo dõi, đánh giá các mô hình sản xuất NN hiệu quả còn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ từng bước được hình thành và nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tập quán sản xuất của người dân, doanh nghiệp; hướng đến nền NN sạch.
Tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất NN. Kịp thời đánh giá và tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất NN có hiệu quả kinh tế để người dân áp dụng, nhân rộng. Triển khai hiệu quả các nghị quyết của tỉnh về thu hút đầu tư và phát triển NN trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào NN nông thôn.
Xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có lĩnh vực NN, khu NN ứng dụng CNC. Xây dựng, đánh giá và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng CNC vào sản xuất NN hiệu quả...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1759/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh NN CNC, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế NN của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Theo phương hướng phát triển, ngành NN- thủy sản tỉnh Vĩnh Long chuyển từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển NN sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả ở những vùng, khu vực có điều kiện. Nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, từng bước đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành trung tâm sản xuất, cung cấp giống cây trồng của vùng ĐBSCL. Cùng với đó, phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, CNC, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào NN, nông thôn.
Theo THẢO LY (Báo Vĩnh Long)