Vực dậy sân khấu dù kê

05/07/2022 - 09:39

Nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ ra đời vào những năm đầu thế kỷ 19 và nhanh chóng được công chúng đón nhận nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ. Dù kê là tổng hoà các loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc sắc, giá trị độc đáo như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hoá trang, hội hoạ và ẩm thực... mang đặc trưng riêng của đồng bào Khmer. Tương tự như tuồng cải lương của người Kinh, dù kê là loại hình nghệ thuật dân gian, luôn nhận được sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng.

Cà Mau là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống lâu đời cùng với các dân tộc anh em. Theo một số người lớn tuổi kể lại, thể loại sân khấu dù kê đã có mặt từ sớm và đồng hành cùng người Khmer tại vùng đất này. Nhưng những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Cà Mau dần bị mai một theo thời gian, hiện nay chỉ còn 2 tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng còn gìn giữ với nhiều đoàn chuyên và không chuyên, tổ chức đoàn biểu diễn và hoạt động truyền nghề theo các phum, sóc. Số lượng tác giả, tác phẩm cho tuồng kịch bản dù kê hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó số nghệ sĩ lớp trẻ được truyền nghề tiếp nối thế hệ đi trước cũng không còn nhiều như trước đây.

Ông Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer, cho biết: “Nói về thể loại sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ trước đây, hầu hết những địa phương có người Khmer sinh sống đều lập đoàn sân khấu dù kê, tuỳ thuộc từng địa phương để phục vụ bà con trong dịp lễ, tết tại phum, sóc. Thường những kịch múa hát dù kê luôn dựa vào cốt truyện cổ tích dân gian của người Khmer, ca ngợi quê hương, tình yêu chung thuỷ, lên án ách thống trị của bọn quan lại phong kiến xưa… Cho nên xưa nay, thể loại dù kê luôn được người Khmer yêu thích và đón nhận. Nhưng thời gian gần đây, nghệ thuật sân khấu dù kê ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, ngoại trừ các đoàn chuyên nghiệp thì hầu hết các đoàn dù kê  “tự lập” đã tan rã. Một phần do thiếu kinh phí tự chủ và một phần do chưa tạo được sự thu hút từ phía người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhằm khôi phục lại nghệ thuật sân khấu dù kê, đoàn nghệ thuật chúng tôi luôn nỗ lực hết mình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các diễn viên trong đoàn. Qua đó, đoàn đã lên kế hoạch đi trình diễn sân khấu dù kê tại một số địa phương có đông đồng bào sinh sống. Đặc biệt mới đây, đoàn đã phục dựng chương trình nghệ thuật sân khấu dù kê tại ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình với kịch bản “Hương sắc tình quê”, nhận được nhiều lời khen ngợi của người dân. Đây là kịch bản đoạt Huy chương Bạc toàn đoàn tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất ở tỉnh Sóc Trăng năm 2013”.

Nghệ thuật sân khấu dù kê là món ăn tinh thần của đồng bào Khmer. Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đang củng cố lại để phục vụ bà con trong dịp lễ, Tết truyền thống. 

Có thể nói, sân khấu truyền thống Khmer nói chung và nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ nói riêng có vai trò to lớn, đang giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hoá, xã hội của người Khmer. Mãi cho đến nay, sân khấu dù kê vẫn được đông đảo đồng bào yêu thích. Vì vậy, trước nguy cơ thất truyền do giới trẻ đang dần thiếu hiểu biết về loại hình nghệ thuật này thì nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương và lớp nghệ nhân yêu nghề đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của một đặc sản văn hoá vùng đất Nam Bộ.

“Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ nói chung, trong đó có Cà Mau tuy hiện nay có giảm về số lượng nhưng chất lượng nghệ thuật luôn được quan tâm cải tiến để nâng cao trình độ nghệ thuật trên các mặt: biên kịch, đạo diễn dàn dựng, thiết kế cảnh trí sân khấu, phục trang, âm nhạc, nghệ nhân, diễn viên… Sân khấu dù kê dù tiếp nhận nhiều yếu tố nghệ thuật khác, song vẫn giữ được bản sắc dân tộc độc đáo của riêng mình, có khả năng hoà nhập cao. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, phạm vi hoạt động và số lượng khán giả xem sân khấu dù kê ngày càng bị thu hẹp dần. Ngoài khán giả lớn tuổi, lớp trẻ, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên, ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ loại hình nghệ thuật này bị mai một”, ông Trung nhận định.

Một cảnh diễn trong vở “Hương sắc tình quê” của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau.

Tuy đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn nghệ thuật dù kê và từng bước gắn với phát triển du lịch tại địa phương, dù không bị đối xử “lạnh lùng” nhưng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và văn hoá nói riêng, sân khấu dù kê hiện nay thật sự đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân khách quan là do thiếu lớp diễn viên trẻ tài năng trong khi diễn viên gạo cội lùi dần khi không còn tồn tại nhiều đoàn dù kê như thời kỳ “hoàng kim”. Hơn nữa, nội dung vở diễn dù kê ít có sự đổi mới, nó chỉ sống tốt được trong môi trường văn hoá đặc trưng riêng của người Khmer chứ không thể “hoà trộn” với những không gian khác một cách tuỳ tiện.

Cho nên, để vực dậy nền sân khấu dù kê là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Hiện nay, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ nói chung, trong đó có Cà Mau, đã và đang được các ngành chức năng quan tâm khôi phục nhằm tạo điều kiện đưa nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer ngày càng vươn xa hơn trong tương lai.

Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer hiện nay đã và đang được các ngành chức năng quan tâm khôi phục.

Năm 1985, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ chính thức được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tiếp đó, năm 2014, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ một lần nữa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Đây là niềm tự hào chung cho các đoàn nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng, là động lực để tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển rộng khắp các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, góp phần làm phong phú, đặc sắc và độc đáo hơn kho tàng văn hoá, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam./.

Theo DANH ĐIỆP (Báo Ca Mau)