Xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo

14/04/2022 - 08:09

Xây dựng chuẩn mực con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, hướng đến chân – thiện – mỹ với các chuẩn mực đặc trưng của con người Việt Nam gắn với bộ nhận diện văn hóa đặc trưng, hình tượng giá trị biểu trưng của Hoa Sen, Bé Sen, góp phần nâng cao hình ảnh tỉnh Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

A A

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2021 được tổ chức trên địa bàn TP Sa Đéc

Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đến năm 2025, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa. Xây dựng thiết chế Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện có Trung tâm văn hóa, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng đạt chuẩn theo quy định. Tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Di sản văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp là Di sản văn hóa thế giới. 100% di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị, trước hết là các làng nghề truyền thống, nghệ thuật Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp. Định kỳ luân phiên tổ chức Lễ hội Hoa Sa Đéc (tiến tới Festival hoa Sa Đéc) và Lễ hội Sen...

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, địa phương, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử - văn hóa, con người Đồng Tháp để mỗi người là một tuyên truyền viên, giới thiệu, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cơ quan thông tin đại chúng, nền tảng công nghệ 4.0, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Trang thôn tin điện tử, công nghệ AI... trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp: Nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Nâng cao năng lực cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm quản lý Nhà nước về văn hóa chặt chẽ, đúng quy định. Đổi mới mô hình quản lý, phương thức vận hành các thiết chế văn hóa. Thí điểm, tổng kết nhân rộng mô hình phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mà tỉnh có thế mạnh như: biểu diễn, du lịch văn hóa để quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, hình ảnh quê hương, con người Đồng Tháp xa hơn.

Xây dựng đồng bộ 3 môi trường văn hóa gồm: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Chú trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người. Nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, tình làng nghĩa xóm thương yêu nhau. Trường học thực sự là môi trường văn hóa giáo dục, rèn luyện con người chuẩn mực cả về trí thức, lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục. Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện gắn liền với hệ giá trị cốt lõi, đặc trưng: Nghĩa tình, năng động, sáng tạo, đặt trọng tâm nâng cao cả về trí lực và thể lực, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; có thế giới quan khoa học, hướng đến chân - thiện - mỹ; bảo vệ môi trường. Ban hành Quy chế công nhận, vinh danh “Đại sứ danh dự”; “Công dân tiêu biểu” Đất Sen hồng hàng năm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đặc biệt là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Hò Đồng Tháp; chú trọng khai thác, giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, di sản văn hóa mang tính đặc thù của từng địa phương gắn với phát triển du lịch, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả bộ nhận diện văn hóa đặc trưng, hình tượng giá trị biểu trưng của Hoa Sen, Bé Sen, logo tỉnh, logo du lịch và bộ nhận diện hình ảnh tỉnh trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, kiến trúc, tuyên truyền giáo dục, cổ động trực quan... góp phần nâng cao hình ảnh tỉnh Đồng Tháp trong tâm trí của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sưu tầm, phát hiện những di sản, di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, xác định giải pháp phát huy giá trị. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn các di sản, di tích trong Nhân dân. Cung cấp kiến thức về lịch sử, văn hóa, quy định pháp luật về di tích, di sản, hướng dẫn hoạt động cho các tổ chức do Nhân dân tự nguyện lập ra với mục đích bảo vệ, giữ gìn di sản, di tích ở địa phương. Ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cơ sở thờ tự, gia đình đang gìn giữ các di sản cổ xưa tiếp tục bảo quản đúng cách, không để hư hỏng, mất mát, biến dạng.

Theo Báo Đồng Tháp