Một phân cảnh trong vở Đường về San Hậu được biểu diễn tại Lễ hội Làm Chay
Chiều 14 tháng Giêng âm lịch, sau khi tiếng trống lân rộn ràng kết thúc, người dân tham gia Lễ hội Làm Chay tản ra khỏi khu vực trước Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), mỗi người một hướng với dự định riêng. 19 giờ, tiếng trống kèn và đờn cò lại vang lên réo rắc ở khu vực sân Trường Tiểu học Thị trấn Tầm Vu. Người dân lại tụ họp về, hướng mắt lên sân khấu được trang hoàng rực rỡ. Sau cánh gà, những vị tướng uy phong, những cô đào kiêu sa, xinh đẹp đang chỉnh lại xiêm y, chuẩn bị bước lên sân khấu. Năm nay, đoàn phục vụ người dân trích đoạn trong tuồng Đường về San Hậu.
Không phải năm nào Lễ hội Làm Chay cũng có hát bội nhưng có lẽ từ năm nay, chương trình hát bội sẽ được quan tâm đưa vào lễ hội này thường xuyên hơn. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn cho biết, ông cùng Ban Quản trị Đình Tân Xuân rất muốn có thể gìn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc và hát bội ở đình làng là một trong số đó.
Đoàn hát bội phục vụ lễ hội năm nay là đoàn Thái Vinh. Các nghệ sĩ hát bội trong đoàn đều đam mê và khao khát giữ gìn chút duyên với nghề truyền thống. Bởi sau mùa cúng Kỳ Yên tháng Giêng, hầu hết nghệ sĩ sẽ cất “áo mũ cân đai” trở về với cuộc sống đời thường, không ánh đèn sân khấu.
Sân khấu hát bội tại sân Trường Tiểu học Thị trấn Tầm Vu
Chăm chú nhìn các nghệ sĩ trổ tài ca, múa, người dân rộn rã vỗ tay. Bà Trần Thị Lùn (khu phố 1, thị trấn Tầm Vu) chia sẻ, lâu lắm rồi bà mới có dịp được xem hát bội ở sân đình. Ngày nhỏ, mỗi lần nghe tiếng trống hát bội là lòng cứ nôn nao muốn được tới xem. Bà kể: “Hồi đó, hát bội vui lắm, lâu lâu mới có dịp gánh hát bội về nên người già, con nít ai cũng thích coi. Bây giờ nhiều thứ mới mẻ, nên chắc người trẻ không mê hát bội như thế hệ chúng tôi thuở trước".
Hát bội vốn là bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ở Nam bộ, hát bội gắn liền với văn hóa đình làng. Các lễ cúng Kỳ Yên ở đình, miễu thường có có gánh hát bội tới hát cúng thần cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, gặp điều may mắn và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Các tuồng hát bội thường có nội dung răn dạy, giáo dục lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, ca ngợi cái tốt đẹp, cao cả và phê phán thói hư, tật xấu. Người hát sử dụng lối hát nhấn nhá kết hợp rất hài hòa với các điệu múa tạo nên lối trình diễn sân khấu mang tính ước lệ cao và thu hút.
Nghệ sĩ vẽ mặt cầu kỳ và các động tác múa mang tính ước lệ cao
Ngày nay, hát bội đã qua thời hoàng kim, số đình, miễu mời hát bội trong lễ cúng Kỳ Yên cũng không còn nhiều nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là nghệ thuật này hoàn toàn vắng bóng. Khi sân khấu hát bội tại đình làng còn đông khán giả, khi những trẻ bắt đầu quan tâm, tìm hiểu và yêu mến những đẹp truyền thống của cha ông, thì những đêm hát bội ở đình làng sẽ còn được lưu truyền, gìn giữ như cách mà Ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay đang thực hiện./.
Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)