Xếp hạng mức độ chuyển đổi số của Sóc Trăng tăng 20 bậc

03/08/2023 - 15:12

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống, kinh tế - xã hội. Xác định rõ điều này, Sóc Trăng đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ngay từ lúc triển khai, trong đó chú trọng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách toàn diện, hiệu quả.

Để công tác chuyển đổi số được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các học viện, trường đại học, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về các kỹ năng, nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Sở cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với đoàn viên, thanh niên, hội nông dân để giải đáp các thắc mắc, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt trong ứng dụng công nghệ phục vụ lao động, sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết thực của đời sống xã hội. Năm 2022, Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là công trình thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh muốn sớm đưa các kết quả chuyển đổi số vào phục vụ hiệu quả hơn công tác chỉ đạo điều hành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng đến tất cả các ấp trên địa bàn tỉnh. Các tổ công nghệ số đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và ứng dụng các nền tảng công nghệ cho người dân tại các xã, phường, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổ đã hướng dẫn cho khoảng 1.015 người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số. Sàn thương mại điện tử http://soctrangtrade.vn được đi vào vận hành đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các mô hình kinh tế tập thể quảng bá các sản phẩm chủ lực. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã ứng dụng hiệu quả công nghệ số bằng việc tích hợp hệ thống tưới phun tự động trong sản xuất nông nghiệp​. Ảnh: THIỆN HẢI

Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, chuyển đổi số Sóc Trăng đã gặt hái được những thành công ấn tượng. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 (DTI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa chỉ: https://dti.gov.vn/xep-hang-2022. Theo đó, Sóc Trăng xếp hạng thứ 36/63, tăng 20 bậc so với năm 2021 và 21 bậc so với năm 2020 với giá trị DTI đạt 0,5731 điểm. Tổng thể kết quả 3 trụ cột chính chuyển đổi số của tỉnh gồm: Chính quyền số xếp thứ 32/63 (năm 2021 xếp thứ 57/63), Kinh tế số xếp thứ 32/63 (năm 2021 xếp thứ 60/63), Xã hội số xếp thứ 37/63 (năm 2021 xếp thứ 54/63). Qua kết quả DTI năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng, các chỉ số đều tăng điểm số, thứ hạng đáng kể so với năm 2020 và năm 2021.

DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, có tất cả 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần. Trong 9 chỉ số chính được phân thành 2 nhóm là nhóm chỉ số hoạt động và nhóm chỉ số nền tảng chung. Nhóm chỉ số hoạt động gồm 3 chỉ số chính: hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số và hoạt động xã hội số. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và đô thị thông minh.

Để có được kết quả ấn tượng trên là sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng khắc phục, cải thiện những hạn chế, khó khăn để nâng cao hơn nữa thứ hạng chuyển đổi số trong những năm tới.

Theo THIỆN HẢI (Báo Sóc Trăng)