Điện lực Hậu Giang nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về nông thôn.
Dọc tuyến kênh Xã Của thuộc ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), hiện có 16 hộ dân đang sinh sống, vẫn còn một đoạn dài khoảng 1 km lâu nay chưa được đầu tư lưới điện quốc gia.
Để có điện sử dụng, vài hộ dân ở đây đã phải “câu” đuôi nguồn điện kéo từ kênh 26/3 của thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp) dài hơn 500 m về sử dụng. Việc kéo chuyền đường điện này của người dân rất nguy hiểm vì chỉ sử dụng cây tre làm trụ, nhiều đoạn dây thả dọc theo rẫy mía.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Khởi về ấp Mỹ Phú sinh sống từ năm 1992. Ông Khởi kể, lúc đầu, 3-4 hộ kéo điện dùng chung, sau do nhu cầu sử dụng lớn dần, phải tách riêng nguồn nhưng điện vẫn chập chờn. Nguồn điện không đủ công suất đã làm hư hại nhiều thiết bị điện của gia đình ông. Tủ lạnh không đủ bảo quản thực phẩm, muốn xem ti-vi ban đêm phải tắt hết đèn,...
“Cuộc sống người dân ở đây ngày càng khá hơn, việc mua sắm các vật dụng, thiết bị điện để sử dụng là nhu cầu chính đáng. Không ai muốn xài điện “câu đuôi”, vừa yếu lại không an toàn. Điều mong mỏi của người dân là được chính quyền địa phương, ngành điện quan tâm sớm kéo điện lưới quốc gia về đây”, ông Nguyễn Quốc Khởi chia sẻ.
Ông Hồ Hoài Chơn, Trưởng ấp Mỹ Phú cho biết, từ 16 hộ dân sinh sống ban đầu, nhiều hộ có nhu cầu cho con ra ở riêng, cất nhà ở, số hộ dân tại đoạn kênh này tăng lên 24.
Nhiều năm qua, ai cũng mỏi mòn chờ đợi nhưng vẫn chưa thấy kéo điện về. Hiện, người dân không chỉ cần điện thắp sáng, sử dụng các thiết bị cần thiết khác mà còn cần nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các khâu làm đất, gieo trồng, bơm tưới, thu hoạch.
Chỉ tính riêng đoạn chưa có điện lưới quốc gia, có khoảng 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng sầu riêng chiếm khoảng 70% nhu cầu điện trong bơm tưới nhằm tiết giảm chi phí sản xuất là rất cần thiết.
Anh Nguyễn Hữu Phước trồng gần 1 ha sầu riêng được bốn năm tuổi đang chuẩn bị cho lứa trái đầu tiên, cho biết: “Cách đây hai năm, tôi đã đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn sầu riêng. Do không có điện lưới, tôi phải dùng máy dầu để vận hành. Nếu có nguồn điện lưới ổn định, gia đình sẽ đỡ tốn chi phí tiền mua dầu chạy máy rất nhiều”.
Theo số liệu khảo sát thống kê của ngành chức năng, hiện tỉnh Hậu Giang còn khoảng 528 tuyến cần đầu tư lưới điện quốc gia để cấp điện cho các hộ dân và bảo đảm sử dụng điện an toàn.
Theo đó, cần đầu tư 256 km đường dây trung thế, 686 km đường dây hạ thế, tổng nhu cầu vốn đầu tư 372 tỷ đồng. Những tuyến này có hơn 500 hộ dân chưa có điện lưới sử dụng và gần 2.000 hộ sử dụng điện không an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Công ty Điện lực Hậu Giang, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã nỗ lực đầu tư hơn 556,65 tỷ đồng cho lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đầu tư hơn 305,71 tỷ đồng cho khu vực nông thôn, vùng lõm và xóa hộ “câu đuôi”, kéo chuyền. Từ đó, nâng tỷ lệ hộ dân có điện khu vực nông thôn đạt 99,66% (lúc mới thành lập tỉnh năm 2004, tỷ lệ này chỉ đạt 77,51%).
Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang Lê Hoàng Thắng cho rằng, đối với các khu vực chưa có lưới điện quốc gia hoặc lưới điện đứt quãng, không an toàn, nhiều năm chưa khắc phục triệt để là do đặc điểm tự nhiên vốn có của khu vực nông thôn. Hầu hết các hộ dân này sinh sống chủ yếu dọc theo tuyến kênh, rạch, dân cư rải rác, không tập trung cho nên suất vốn đầu tư lưới điện trên mỗi hộ dân rất lớn.
Với nhu cầu vốn đầu tư cùng lúc quá lớn, Công ty Điện lực Hậu Giang không thể cân đối đủ nguồn vốn đầu tư toàn bộ lưới điện tại các khu vực chưa có lưới điện quốc gia. Mặt khác, dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020” do tỉnh làm chủ đầu tư đã được Bộ Công thương phê duyệt, nhưng đến nay chưa được Trung ương phân bổ nguồn vốn để tỉnh thực hiện. Đây cũng là khó khăn dẫn đến làm chậm việc xóa tình trạng lưới điện đứt quãng, điện không an toàn trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Thậm cho biết, sở sẽ phối hợp ngành điện và các địa phương rà soát nhu cầu và tính cấp bách của từng công trình, từng tuyến cụ thể để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng hằng năm.
Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư trước cho các khu vực hoàn toàn chưa có điện lưới sử dụng, hoặc sử dụng điện “câu đuôi” không bảo đảm an toàn; khu vực các tuyến có đông dân cư với suất đầu tư cấp điện bình quân trên mỗi hộ dân thấp. Cùng với đó, tham mưu lãnh đạo tỉnh kiến nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn triển khai dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Nhân dân