Xứ dừa Bến Tre phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

21/01/2019 - 08:46

Bến Tre phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đem lại nguồn ngân sách lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bến Tre là địa phương được bao bọc bởi các con sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông và tiếp giáp với biển. Địa phương có bốn bề sông nước mênh mông, phong cảnh đẹp hữu tình, không khí mát mẽ. Tận dụng ưu thế đó và thực hiện tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, tỉnh Bến Tre đã chú trọng phát triển du lịch từng bước thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hoạt động du lịch không chỉ đem lại nguồn ngân sách đáng kể mà còn giải quyết công việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đi xuồng ba lá trên kênh rạch là nét độc đáo tại xứ dừa Bến Tre.

Năm qua, hoạt động du lịch ở tỉnh Bến Tre đạt kết quả rất đáng khích lệ. Hơn 1,3 triệu khách đến tham quan nghỉ mát, tăng gần 22%; trong đó khách quốc tế tăng 24%, doanh thu về du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 72 điểm du lịch, trên 2.000 phòng lưu trú đạt chuẩn. Nhiều khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch đã được hình thành, khai thác đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch Lan Vương, Phú An Khang (thành phố Bến Tre), Khu du lịch Làng bè, Me kong River (huyện Châu Thành)…

Ông Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc công ty TNHHMTV du lịch miền Tây tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo hướng “liên hoàn”, vừa phục vụ đưa đón khách du lịch tham quan sông Tiền vừa phục vụ vui chơi ăn uống. Gần đây, công ty hoạt động rất ổn định lượng du khách đến tham quan, nghỉ mát tăng so với trước đây.

Tuyến du lịch Nam thành phố Bến Tre, mỗi ngày có khoảng 300 khách trải nghiệm, chủ yếu là khách nước ngoài. Ở tuyến du lịch này, du khách được thăm vườn bưởi da xanh, đi qua những con đường rợp bóng dừa, tham quan và trải nghiệm nghề làm kẹo dừa truyền thống, dệt chiếu… và lưu trú tại các homestay như: Mười Nở, Hoa Dừa, Ba Danh, Duyên Quê…

Du lịch xe ngựa- hoạt động độc đáo xứ dừa.

Chị Huỳnh Kim Loan, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham quan du lịch tại Thành phố Bến Tre, bày tỏ: "Tôi tới đây được đi tham quan các vườn trái cây, rất là thích, được ăn nhiều trái cây rất ngon. Các món ăn ở đây, đặc trưng như bánh xèo, bánh ít rất là ngon, nhân viên  phục vụ rất nhiệt tình".

Du lịch ở tỉnh Bến Tre phát triển là có sự chung sức đồng lòng của người dân trong việc tạo dựng nên một Bến Tre thân thiện, mến khách. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng, phát triển nhiều điểm, khu, cơ sở lưu trú du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Ngoài ra, yếu tố “thiên thời, địa lợi” của 3 dải cù lao xanh mát của Bến Tre mang tính đặc thù đã  khơi gợi, kích thích sự tò mò, khám phá của du khách. Chính quyền và người dân xứ dừa đã xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đã tạo công việc làm, tăng thu nhập cho một đại bộ phận người dân. Nhờ vậy, du khách năm sau cao hơn năm trước.

Tát mương bắt cá thu hút giới trẻ.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhìn nhận: "Hiện nay số lượng khách du lịch tăng 24%, doanh thu cũng tăng 24% là một trong những ngành có mức tăng trưởng rất lớn. Nó góp phần quảng bá hình ảnh Bến Tre rất lớn, góp phần giới thiệu sản phẩm của Bến Tre ra nước ngoài rất nhiều. Đến 2020 du lịch tỉnh Bến Tre. Đến năm 2020, du lịch  Bến Tre trở thành ngành kinh tế quan trọng; phấn đấu đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ Dừa dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người; trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái ven sông, rạch, vườn hoa kiểng, các di tích văn hóa lịch sử, du lịch vùng cù lao, bãi biển. Ngành Du lịch tỉnh tập trung thực hiện đa dạng hóa sản phẩm có khả năng tạo ra sự khác biệt giữa Bến Tre với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó hình ảnh “Cây dừa - Du lịch xứ dừa” sẽ là biểu tượng, điểm nhấn của du lịch xứ dừa. 

Bến Tre tiếp tục duy trì mối liên kết giữa các địa phương lân cận như: Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện, thành phố  trong tỉnh sẽ xây dựng sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù địa phương gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đặc biệt ở các vùng ven biển như: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri phải có một loại hình du lịch mang nét đặc trưng.

Đàn ca tài tử tại điểm du lịch Quê Dừa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ông Lư Văn Nhường, Trưởng Phòng Văn hóa –thông tin huyện Bình Đại chia sẻ, "Bình Đại có lợi thế hết sức tiềm năng, nhất là du lịch biển và du lịch sinh thái dưới tán rừng. Đặc biệt ở Bình Đại có bờ đê Ốc Viết tại cồn Chài Mười mà không nơi nào có, dài 7km mà do thiên nhiên tự tạo. Một số điểm di tích văn hóa cấp Quốc gia được công nhận, các kiến trúc đình, lễ hội Văn hóa phi vật lễ Lăng Ông Bình Thắng. Sắp tới chúng tôi sẽ khôi phục, bảo tồn và phát triển nó".

Tỉnh  Bến Tre phấn đấu đến năm 2020, tổng thu từ hoạt động du lịch tăng khoảng 24% /năm; lượng du khách tăng 13%/năm, đưa ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với những thành quả đạt được và hướng đi phù hợp, tin rằng hoạt động du lịch ở xứ dừa- Bến Tre sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê giàu truyền thống cách mạng xứng danh “Đồng khởi Anh hùng”.

Theo VOV