Hội quán là nơi bà con và nhân dân gặp nhau cùng bàn công việc làm ăn và chuyện xây dựng xóm làng, cũng là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng. (Ảnh: Báo Dân trí)
Mà đúng là đơn giản, là dung dị thật! Thì có gì đâu, chỉ là một mái hiên nhà được “cơi nới” rộng ra một chút, chỉ là một không gian lợp lá cũng có, lợp tôn cũng có, mà lợp ngói cũng có, hoặc chỉ là một không gian đình, miếu quen thuộc. Rồi thì vài chiếc bàn tròn để mọi người “xúm xít” bên nhau. Quan trọng là người với người đến với nhau nhiều hơn, đầu trên xóm dưới gần gũi nhau thường xuyên hơn. Và, trong những không gian thân mật đó, biết bao sáng kiến từ người dân được chia sẻ bởi chính người dân, được chia sẻ bởi cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, ban ngành, được chia sẻ bởi các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp. Vậy là, cụ thể hoá chủ trương “liên kết 4 nhà” rồi còn gì! Nói “liên kết 4 nhà” mà “mạnh nhà ai nấy ở” thì làm sao liên kết được?!
Mà đúng là đơn giản, là dung dị thật! Đâu có diễn văn, báo cáo thành tích, người này nói thì những người kia nghe, rồi bàn thảo, rồi thống nhất nhau cùng làm - “Nói cho nhau nghe và nghe nhau nói” là một đặc trưng của thành viên Hội quán. Đâu có câu nệ chuyện giờ giấc hành chính. Đâu có những ngôn từ “hàn lâm”, khái niệm xa vời với người dân. Ngôn ngữ mộc mạc mà đi vào lòng người vì nó chân thật, không sáo rỗng. Tất cả là ngôn ngữ của cuộc sống, là “hơi thở” của xóm làng, của ruộng vườn. Cái gì xuất phát từ cuộc sống, từ nhu cầu thiết thân đối với người dân thì tất yếu được đón nhận và nhanh chóng lan toả. Nói người dân là “chủ thể của nông thôn mới” thì cần có không gian để phát huy “tinh thần làm chủ”! Trong không gian Hội quán, không có “phẩm hàm, thứ bậc”, mọi người bình đẳng xoay quanh bàn nước đơn sơ. Trong cái không gian Hội quán đó, “người dân lãnh đạo người dân, người dân quản lý người dân và người dân tự mình làm chủ cuộc đời của mình”!
“Chuyện của người dân hãy để người dân tự luận bàn với nhau”! Người dân biết tường tận ngõ ngách trong xóm trong làng, biết cái cầu nào cần xây, con đường nào cần mở rộng. Người dân am tường về bệnh trạng trên cây trồng vật nuôi, về kỹ thuật chăm sóc sao cho năng suất cao. Người dân biết “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Nhưng người dân cũng còn thiếu nhiều thứ lắm. Nào là, khoa học kỹ thuật; nào là công nghệ bảo quản, chế biến. Nào là, thông tin thị trường “đầu vào, đầu ra”, “trong nước, ngoài nước”. Nào là, kiến thức kinh tế, quy luật cung cầu, thế nào là phát triển bền vững…
Nhưng cái thiếu và yếu nhất chính là nối kết các mối quan hệ xã hội. Thì quen rồi, “Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” mà! Lủi thủi một mình, quanh quẩn trong nhà. Nhiều khi chuyện nhà kế bên cũng không hay không biết, mà cũng không cần hay không cần biết. Ngày xưa thì “bán bà con xa mua láng giềng gần”, còn ngày nay thì “thân ai nấy lo, nhà ai nấy sống”, thậm chí có khi giận quá còn “phán”: “Sống chết mặc bây…”! Bao nhiêu giá trị tốt đẹp của làng quê, người quê xưa đôi khi bị nhạt nhoà dần vì sự thờ ơ, đố kỵ, hẹp hòi. Xã hội là một mạng lưới các mối quan hệ đan xen, không ai có thể “Chỉ mình tôi là đủ, tôi không cần đến ai cả”!
Như vậy, cái không gian cộng đồng mang tên là “Hội quán” đó chính là “Vòng tròn các mối quan hệ xã hội”. Có người phát hiện ra rằng, người nghèo khó, thất bại là do tự chọn cho mình lối sống lủi thủi như đi trong đêm tối, còn muốn giàu có, thành công thì phải chọn cách sống có nhiều người, có nhiều mối quan hệ xã hội. Mình dìu dắt người khác để rồi đến lúc người khác nâng đỡ lại mình. “Chị ngã thì em nâng”, “Người đi trước rước người đi sau” là như thế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác Quốc hội đến thăm Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp (ngày 4/9/2019). (Ảnh: Báo Dân trí)
Có câu chuyện mang đầy tính triết lý nhân sinh. Một ông nông dân nổi tiếng vì có giống bắp ngon, thi lần nào cũng đoạt giải nhất. Cứ mỗi lần vào vụ, ông thường đem bắp giống nhà mình chia sẻ cho những người chung quanh. Có người thắc mắc và cho là ông “dại khờ” nên mới đem giống bắp tốt của mình cho người khác. Ổng hồn hậu trả lời: “Gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính gia đình tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!”. Đó chính là tư duy “tất cả cùng thắng”! Và đó cũng là “giúp người chính là giúp mình”. Triết lý của “Câu chuyện phấn hoa” cũng là triết lý của Hội quán, là lý do ra đời của các Hội quán trên vùng đất Sen hồng nơi phương Nam ngập tràn nắng gió này.
Một vị lãnh đạo cấp cao Trung ương về thăm Hội quán đã rất vui khi nhìn thấy hình ảnh bà con quây quần bên nhau, chân tình với nhau, có nhiều tiếng cười thể hiện tinh thần lạc quan và niềm tin trong cuộc sống. Cái tinh thần nó quan trọng lắm! Sống bên nhau mà ai cũng “mặt nặng mặt nhẹ” vì đố kỵ hẹp hòi, “so đo thiệt hơn” thì làm sao đáng sống?! Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô vị khi không biết tạo ra giá trị. Khi mọi người đến với nhau bằng tình yêu thương, sự tôn trọng và nhất là niềm lạc quan thì xóm làng sẽ thay đổi, cuộc sống người nông dân sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
Mùa Xuân đã về trên những Hội quán trên Đất Sen hồng! Mà đâu phải chờ đến Xuân của đất trời - Xuân theo vòng quay của tạo hoá đâu, “Xuân đã về từng ngày, mỗi ngày” trên nụ cười, trong lòng người. Mùa Xuân tình người đã và đang rộn ràng trong ánh mắt, trái tim, niềm tin của những người dân quê mình - những người đã, đang và sẽ biết yêu thương nhau hơn trong từng không gian Hội quán đơn sơ, dung dị. Trong không gian mùa Xuân đất trời, bỗng thấy bâng khuâng hơn, tin yêu hơn khi văng vẳng đâu đây những ca từ tha thiết: “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá/ tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm/ mùi hương nào rất quen nghe như làm môi ấm/ nghe như từ sâu thẳm đất cựa mình sinh sôi…”./.
Lê Minh Hoan (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp)
Theo Tuyên giáo