Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần ghé thăm mô hình Hội quán ở Đồng Tháp
Đây là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường.
Hòa vào không gian cộng đồng
Năm mới Tết đến, về với những buổi sinh hoạt ở Hội quán có thể thấy được tinh thần đoàn kết của các thành viên. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, nhà nông trở nên thắt chặt tình làng nghĩa xóm, hòa vào không gian cộng đồng hội quán, không còn cảnh lủi thủi làm ăn, rồi "đụng hàng dội chợ" sau thu hoạch.
HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới vững tin trên bước đường hội nhập
Là một trong những Hội quán được thành lập đầu tiên trong tỉnh, đến nay, HTX Nông sản an toàn An Hòa đã hoạt động hiệu quả khi cung cấp những dịch vụ phi nông nghiệp như: sân bóng đá, bóng chuyền, dịch vụ giữ trẻ, thu gom rác sinh hoạt, cung cấp nước tinh khiết, dịch vụ đời sống... Tất cả hoạt động nhằm hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm nhãn bền vững.
Ông Nguyễn Văn Dương (đi đầu), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, là người rất quan tâm đến sự phát triển của mô hình Hội quán nông dân
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động, các thành viên HTX đưa ra mục tiêu là cùng nhau trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến trong phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, rút kinh nghiệm về quy trình sản xuất... Đối với các thành viên còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, HTX cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đến thăm HTX Nông sản sạch xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Khát vọng đầu năm mới, ông Chung Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản an toàn An Hòa, cho biết: "Với tinh thần đoàn kết giữa các thành viên, tôi mong rằng năm mới sẽ có thêm nhiều chuyển biến mới trong nhận thức. Ngoài ra, HĐQT sẽ tìm kiếm thêm nhiều đầu mối tiêu thụ, liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX".
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh trong lần đến thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Đến với Minh Long Hội quán xưa nay là HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mới thấy được tinh thần hợp tác, liên kết của người dân xã Bình Hàng Tây.
Ông Huỳnh Xuân Tòng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Tây, cho biết: "Từ tiền đề Minh Long hội quán, Ban sáng lập HTX đã cùng với Ban chủ nhiệm hội quán tuyên truyền, vận động các thành viên hội quán tham gia HTX. Qua quá trình vận động hầu hết các thành viên đều thấy được lợi ích của HTX nên đồng thuận tham gia loại hình kinh tế hợp tác này".
Nông dân liên kết với HTX
Theo đó, HTX hướng tới mục tiêu chung là liên kết để cung cấp dịch vụ đầu vào liên quan đến sản xuất cho thành viên với giá cả hợp lý và chất lượng tốt; hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm nông sản; hướng dẫn thành viên sản xuất có năng suất, hiệu quả cao; giúp thành viên hoàn thiện kỹ năng quản lý quy trình sản xuất; cung cấp các dịch vụ phi nông nghiệp nhằm tạo nguồn thu bền vững cho HTX. Bên cạnh đó, HTX còn chăm lo phúc lợi cho thành viên, thực hiện tương trợ lẫn nhau giữa thành viên và HTX, và giữa HTX với cộng đồng.
Hội nghị thành lập HTX Nông sản sạch An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Đến nay, nhãn là một trong những mặt hàng đặc sản của nông dân huyện Châu Thành
Được thành lập từ tháng 3-2018, HTX Nông sản sạch xã Vĩnh Thới có 48 thành viên với 50 ha sản xuất cam, quýt, mận theo hướng GlobalGAP. Với quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn và chất lượng nên sản phẩm đã được Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VingGroup ký hợp đồng tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp từ 60 – 70 tấn trái cho VinEco tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu sang nước ngoài với giá bán cao hơn thị trường từ 15 - 20%. Ngoài ra, để đáp ứng số lượng sản phẩm lớn cho doanh nghiệp, HTX chọn giải pháp mở rộng mạng lưới liên kết với nông dân. Đến thời điểm này, đã có khoảng 100 hộ dân liên kết với HTX để cung cấp sản phẩm.
Ông Lê Minh Hoan bỏ phiếu bầu lãnh đạo Hội quán
Theo ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX Nông sản sạch xã Vĩnh Thới, thì: "Đến nay, HTX đã hoàn thành các quy trình giúp bà con giảm giá thành đối với sản xuất trái cam và quýt đường sạch, chất lượng cao, đã triển khai thực hiện mô hình điểm tại nhà vườn thành viên để đánh giá và hoàn thiện trước khi nhân rộng cho các thành viên trong Hội quán. Khi các nhà vườn đã làm ra trái cây sạch, đảm bảo chất lượng thì chúng tôi bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho nhà vườn thành viên để bà con an tâm sản xuất, không sợ "được mùa mất giá" hay lâm vào cảnh chờ giải cứu nông sản".
Như vậy, thực tiễn bước đầu hoạt động của các Hội quán, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả. Không gian của các Hội quán phần nào có thể khỏa lấp được khoảng trống về nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người nông dân.
Người "truyền lửa" cho Hội quán
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – người khởi xướng và "truyền lửa" cho mô hình Hội quán, cho rằng thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ trực tuyến từ tỉnh đến Hội quán qua hệ thống đường truyền Internet do tỉnh hỗ trợ; kết nối với doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia nhằm trao đổi, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, cung cấp kiến thức về thị trường; tạo điều kiện tìm hiểu thị trường nông sản, tập huấn làm "thủ lĩnh nông dân"…
Ông Lê Minh Hoan mong muốn chủ nhiệm các Hội quán phải tự hào về sứ mệnh và giá trị cống hiến của mình cho xã hội, từ đó thay đổi tư duy, tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Mỗi người hãy chịu khó hy sinh một chút thời gian, một chút công sức để làm tròn sứ mệnh là "người thủ lĩnh của nông dân". Làm tốt mô hình Hội quán thì góp phần rất lớn cho thành công của tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo vị "Bí thư Tỉnh ủy của năm", Đồng Tháp là một trong những địa phương đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới.
Trục liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp, được phát huy bắt đầu từ những "cánh đồng mẫu lớn", các Hội quán, HTX. Một trong những điểm yếu trong sản xuất và tiêu thụ trong là "thông tin bất cân xứng" - một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại.
Đồng Tháp đang thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, HTX và doanh nghiệp. Để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở thực tiễn địa phương, Đồng Tháp kiến nghị cần có một luật riêng về HTX nông nghiệp, đủ mạnh sẽ làm cho HTX có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ.
Hai là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải có nhiều cơ chế, chính sách song hành. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.
Ba là, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp đang có nhiều mô hình giảm diện tích đất trồng lúa để đan xen với những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện suy giảm nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chính sách giảm diện tích trồng lúa vẫn còn bất cập so với mong chờ của người dân, cần có sự tác động rõ ràng hơn ở tầm vĩ mô.
Theo DUY THANH - CÔNG TUẤN - ÁNH KHƯƠNG (Người Lao Động)