Ðánh thức tiềm năng du lịch Thới Bình thôn

09/02/2023 - 10:18

Quê hương Thới Bình với không gian miền quê thanh bình, yên ả; những con người bình dị, hồn hậu; những món ăn đặc sản đậm chất quê; những câu chuyện lịch sử đầy hào hùng gắn liền với một thời cha ông giữ nước… là thế mạnh cho địa phương phát triển du lịch.

A A

Ngoài Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam đi qua địa phận huyện Thới Bình kết nối với các tỉnh bạn là lợi thế quan trọng thúc đẩy tiềm năng du lịch nơi đây.

Nói đến Thới Bình (Cà Mau) phải nhắc đến con Sông Trẹm (còn gọi là sông Trèm Trẹm) với cảnh đẹp hữu tình, thơ mộng. Từ xa xưa, Sông Trẹm vốn là nguồn cung cấp nước cho các kênh rạch: Chắc Băng, Thị Phụng; dòng nước mát lành tưới mát cây cối đôi bờ, phục vụ lưu thông, thuỷ lợi của bà con nơi đây. Tên sông có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, chỉ biết vẻ đẹp của nó còn rất hoang sơ; nhìn từ góc cao, Sông Trẹm trầm mặc, lặng lờ chia về các hướng kênh. Ấn tượng nhất, cũng là điểm nhấn của dòng sông này là lưu vực ngã ba sông, nơi có ba dòng kết nối hiền hoà bao bọc thị trấn Thới Bình tạo nên một nét đẹp khá nên thơ.

Du ngoạn trên Sông Trẹm bằng phương tiện thuỷ, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế đầy sống động về một dòng sông hiền hoà, miền quê thanh bình và những con người giản dị, rất nhiệt tình và mến khách nơi đây. Chính con sông này đã gợi nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ từ hội hoạ, điện ảnh, âm nhạc đến nhiếp ảnh, văn học…

Ngoài ra, du lịch Thới Bình có rất nhiều điểm đến, điểm nhấn khác, như: các địa chỉ đỏ (Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, Ðền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú); các câu lạc bộ đờn ca tài tử (toả khắp 11 xã, thị trấn); các làng nghề truyền thống đan đát bằng nguyên liệu tre, trúc, lục bình (xã Tân Bằng và Biển Bạch); hệ thống du lịch tâm linh thu hút du khách đến hành hương, chiêm bái, lễ hội (chùa Cao Dân, Toà thánh Ngọc Sắc, Ðình thần Thới Bình, Ðình thần Tân Lộc, Ðình thần Tân Bằng...). Có cả đặc sản thương hiệu là mắm cá lóc Thới Bình, cùng rất nhiều món ngon đồng quê nức tiếng.

Hàng năm, cứ đến mùng 10/3 âm lịch, tại Ðền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), Khu di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, Ðảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân huyện Thới Bình long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tôn vinh công đức Quốc Tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân và các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước.

Huyện có một di sản văn hoá được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đó là Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật nhạc Trống lớn của người Khmer.

Theo những gì đã hoạch định trong lộ trình phát triển du lịch, từ nay đến năm 2025, huyện Thới Bình sẽ tập trung khai thác tiềm năng sẵn có, thu hút khách cũng như tăng thời gian lưu trú của du khách. 

Trong đó, chú trọng hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô; phát huy lợi thế các tuyến đường quốc lộ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Với thế mạnh nhiều di tích lịch sử cũng như có bề dày văn hoá, truyền thống, đây cũng là lợi thế sẽ được huyện tập trung khai thác phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo UBND huyện Thới Bình, mục đích quan trọng hướng đến là nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân; phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương và tăng cường thu hút khách du lịch đến huyện, kéo dài thời gian khách lưu trú tại địa bàn; cung cấp sản phẩm du lịch này để các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác, chào bán đến khách hàng. Cùng với đó, góp phần tăng cường sự tương tác trải nghiệm hiểu biết về văn hoá, phong tục, tập quán sinh hoạt giữa du khách và người dân địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương trên địa bàn.

Huyện Thới Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 50 ngàn lượt khách, trong đó có 10 ngàn lượt khách lưu trú tại địa phương; hình thành ít nhất 2 điểm du lịch và 5 tour du lịch; tổng thu từ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng.

Là vùng đất với nhiều di tích lịch sử và nét văn hoá truyền thống lâu đời, Thới Bình hội tụ nhiều tiềm năng du lịch rất cần được đánh thức. Minh chứng cho điều này, thời gian qua, các cấp, ngành của huyện đã dành sự quan tâm cao trong khơi dậy tiềm năng du lịch tại địa phương. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, mở rộng hợp tác với các địa phương phát triển du lịch, Thới Bình đang dần từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở; tăng cường công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực để phát huy thế mạnh của du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc./.

Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)