“Cô Dzàng” nhiệt huyết

13/06/2024 - 15:11

Buổi đó, tiết Ngữ văn của Lớp 11 Chuyên Sử - Ðịa (Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển) học đến bài “Ca nhạc ở miệt vườn”. Sau khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản, xem qua các đoạn clip giới thiệu về nghệ thuật đờn ca tài tử, cô Huỳnh Hồng Dưng mặc nhiên thả lòng, nắn nót từng lời trong bài vọng cổ nhịp 2 “Dạ cổ hoài lang”. Ðoạn, cả cô và trò cùng hoà vang âm điệu ngũ cung. Tiết học trải qua nhiều cung bậc, khi sôi nổi với những câu hỏi đặt ra, lúc hào hứng khi học sinh có dịp được tập ca cải lương, sau lại êm dịu bởi giọng ca của cô giáo. Không gian lớp bỗng nhiên sực ấm trong mạch đồng điệu đẹp...

A A

Hỏi rằng: “Ðiều gì đã làm nên giờ dạy độc đáo như thế”, cô giáo trẻ nhẹ nhàng: “Tất cả đều xuất phát từ tình yêu văn chương và loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, mình muốn gieo tình yêu đẹp này đến tất cả học trò”, nụ cười hiền bừng trong nắng mai...

Nickname “cô Dzàng” và những giờ văn đặc biệt

Về Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển công tác từ năm 2015, với tấm bằng loại ưu. Ngay từ những ngày đầu tiên, cô Hồng Dưng đã có định nghĩa rõ ràng về nghề giáo: “Ðây không phải là thợ dạy theo lập trình có sẵn mà tất cả kiến thức phải gắn liền với thực tế” và “dạy Văn là dạy làm người”. Chính vì thương và nâng niu nghề, cô luôn tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy riêng, rồi khéo léo áp dụng sao cho phù hợp nhất với từng chương trình, ý thức và năng lực của học sinh các lớp.

Kiêm nhiều vai trò, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học... vai trò nào cũng đều được cô giáo trẻ cố gắng vẹn tròn bằng ngọn lửa nhiệt huyết cháy bừng.

Dẫn dắt người đối diện qua những giờ Văn đặc biệt, cô chia sẻ, đối với lớp thiên về tư duy logic, giờ Văn được định hướng phát huy khả năng tự khám phá của học sinh như: làm bài tập nhóm, thiết kế phiếu học tập, thuyết trình hoặc xây dựng buổi học thành một chương trình/Gameshow nghệ thuật để truyền tải kiến thức. Những lớp thuộc khối xã hội, giờ giảng sẽ được thiết kế có nhiều hoạt động kết hợp với tư duy: học sinh sẽ tiến hành đọc, nghiên cứu văn bản rồi vẽ tranh tái hiện, thuyết trình nội dung chính. Ðồng thời trình chiếu clip để học sinh xem và thực hành, qua đó rút ra những bài học liên quan đến nội dung bài giảng.

Ðặc biệt với khối 12, cô dành phần lớn thời gian để học sinh tổ chức hoạt động thuyết trình. Khi kết thúc hoạt động này, lớp sẽ có 5-10 phút hoàn thành phiếu học tập để lấy điểm cộng hoặc điểm miệng. “Bên cạnh đó mình còn khai thác năng khiếu của từng cá nhân. Trước một tác phẩm văn học mới, mình sẽ gợi ý: nếu bạn nào có năng khiếu hội hoạ và có thể tái hiện lại một khung cảnh bất kỳ trong tác phẩm, nhưng hoàn toàn mới, sẽ được chọn chấm điểm miệng. Không chỉ tái hiện khung cảnh văn học qua tranh, có bạn làm thơ, có bạn sáng tác nhạc xoay quanh chủ đề tác phẩm... Ai cũng hào hứng lắm”, cô Dưng phấn khởi tâm tình.

Nhiều năm liền tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Văn, cô luôn thổi niềm đam mê văn chương lẫn kiến thức chuyên sâu vào các chuyên đề: Văn học dân gian, Tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ mới... Em Lượng Kiển Chấn Kiên, học sinh Lớp 11 Chuyên Văn, hồn nhiên nói về cô giáo của mình: “Kết thúc các tiết dạy, dù trên lớp hay bồi dưỡng, ôn luyện, câu hỏi cuối thường được cô hướng đến là bài học rút ra cho em là gì. Bằng cách này hay cách khác, nhất định phải cho học sinh nhận ra mối liên hệ giữa các tác phẩm với chính bản thân và cuộc sống xung quanh mình, để các em thêm yêu, thêm hiểu tính thiết thực của nghệ thuật ngôn từ...”.

Chớp mắt, cô Hồng Dưng đã có thâm niên gần 10 năm đứng trên bục giảng. Nickname thân mật “Cô Dzàng” được chính học sinh đặt từ nhiều năm trước, bởi cảm mến cô giáo trẻ yêu thích màu vàng. Dù kiêm nhiều vai trò: giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Uỷ viên Ban Thường vụ Ðoàn trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học... địa hạt nào cũng đều được cô cố gắng vẹn tròn bằng ngọn lửa nhiệt huyết cháy bừng.

“Cô Dzàng” mải miết nhắc về những cô cậu học trò, đặc biệt là 3 lớp học mình đã và đang chủ nhiệm. Nhớ hoài năm đầu chủ nhiệm Lớp 10 Chuyên Văn với sĩ số lớp đa phần là nữ, độ tuổi của cô và trò khi ấy không chênh lệch nhiều, kinh nghiệm đường đời cũng chưa đủ dày để giải quyết những vấn đề phát sinh của tuổi mới lớn... Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn, sự lúng túng trong mối quan hệ với phụ huynh và học sinh đã được lấp đầy bằng chính sự chân thành. Phụ huynh dần tin cậy, gửi gắm con em và mỗi khi cần lại tâm tình với cô giáo như người thân. Với học sinh, “cô Dzàng” vừa nghiêm túc vừa gần gũi. Ở đó không có sự áp đặt, can thiệp quá sâu vào đời tư mà luôn lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu trong tâm thế của người bạn, người chị dành cho các em. Ðáp lại những nỗ lực của cô, qua từng năm, các lớp do cô chủ nhiệm đều đạt điểm số thi đua thuộc tốp đầu toàn trường.

Lan toả tình yêu nghiên cứu khoa học

Với khao khát nâng cao chuyên môn, năm 2019, mặc dù con còn rất nhỏ và bản thân đang kiêm vai trò Phó bí thư Ðoàn trường, “cô Dzàng” vẫn quyết tâm học tiếp lên bậc cao học. Ðể khi hành trang kiến thức được vun bồi thêm đầy, phương pháp nghiên cứu khoa học vững chắc, cô lại truyền niềm đam mê học thuật này cho các học trò của mình.

Niềm vui lấp lánh khi chia sẻ lại một lát cắt đẹp trong nghề, câu chuyện cứ nối dài. Học trò tìm đến, mong muốn được hướng dẫn nghiên cứu khoa học, đều có những đề tài riêng, nhưng khi lắng nghe phân tích một số ưu, nhược điểm, hướng phát triển nghiên cứu... nhiều em đã nhanh chóng quyết định thay đổi đề tài theo gợi ý của giáo viên hướng dẫn và tập trung nghiên cứu nghiêm túc.

Cô Hồng Dưng bên dự án “Nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát huy giá trị của văn hoá địa phương trong học sinh THPT trên địa bàn TP Cà Mau” do cô hướng dẫn, vừa đoạt hạng Nhất tại “Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh Trung học tỉnh Cà Mau năm 2024”.

Theo cô, hướng dẫn các học sinh nghiên cứu khoa học không hề đơn giản. Ðầu tiên là lối văn phong nghiên cứu rất khác so với lối hành văn bậc phổ thông; tiếp đến, do đa số học sinh lần đầu làm quen với công việc này nên chưa nắm được kết cấu, phương pháp, tiến độ thực hiện, kinh nghiệm thu thập và phân tích số liệu... Chính vì vậy, sau một chương hoàn thành là rất nhiều công sức, sự nỗ lực của cả cô và trò. “Nếu người hướng dẫn không nhiệt tình thì người thực hiện cũng khó nhiệt huyết, bởi vậy, quan trọng nhất là phải khơi dậy được nhiệt huyết trong các em. Ðiều may mắn, hầu hết học sinh tìm đến mình đều rất có trách nhiệm và ý thức làm việc. Với vai trò giáo viên hướng dẫn đề tài, bản thân luôn hết lòng để thành viên các nhóm hiểu rằng nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự đầu tư cẩn thận, không được phép qua loa và việc sao chép là điều tối kỵ...”, hướng mắt về một dự án do mình hướng dẫn vừa đạt thành tích cao của năm nay, cô tâm tình.

Trang giáo án xếp gọn, nắng bừng bên đôi vai cô giáo trẻ. Từng mạch suy nghĩ về việc xây dựng phương pháp giảng dạy, hướng đi tiếp nối của Câu lạc bộ Văn học, kế hoạch hoạt động phong trào, công tác an sinh xã hội... cứ chảy tràn. Câu chuyện, hình ảnh về những cô, cậu học trò cũng theo đó được “cô Dzàng” chắp lên với nụ cười đong đầy yêu thương.

Hai năm liên tiếp mát tay, 3 dự án do “cô Dzàng” trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu, khi tham gia “Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Cà Mau” đều đạt thứ hạng cao. Cụ thể, với dự án: “Nâng cao nhận thức trong việc phòng tránh bạo lực mạng xã hội trong học sinh THPT trên địa bàn TP Cà Mau” đã đoạt hạng Nhì cấp trường, hạng Nhì cấp tỉnh năm 2023; năm 2024, dự án “Nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát huy giá trị của văn hoá địa phương trong học sinh THPT trên địa bàn TP Cà Mau” đoạt hạng Nhất, dự án “Giải pháp khắc phục hội chứng tâm lý Fomo trong học sinh THPT trên địa bàn TP Cà Mau” đoạt hạng Nhì cấp trường, đồng thời cả 2 dự án này đều xuất sắc đoạt hạng Nhì cấp tỉnh.

Năng lực, cầu tiến, nhiệt huyết, có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm cao trong công tác chuyên môn lẫn hoạt động phong trào... là những từ mà cô Lâm Hồng Sen, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, nhận xét về đồng nghiệp trẻ.

Từ sự cố gắng không ngừng và miệt mài cống hiến, năm 2024, cô Huỳnh Hồng Dưng vinh dự là một trong những gương điển hình tiên tiến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ðồng thời, được Sở Nội vụ đề xuất xem xét tuyên truyền trên Ðặc san Thi đua - Khen thưởng, Cổng thông tin điện tử Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Trang thông tin điện tử tổng hợp Thi đua - Khen thưởng Trung ương”.

Theo MINH HOÀNG PHÚC (Báo Cà Mau)