“Nan giải” bài toán tăng giá cuối năm

10/12/2019 - 08:43

 - Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Việc điều chỉnh giá xăng tăng 2 kỳ liên tục, cùng với những biến động của giá thịt heo thời gian qua, khiến một số các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đồng loạt tăng giá. Chính sự tăng giá này đã tác động tiêu cực đến đời sống của một bộ phận người dân.

Hơn 2 tháng nay, giá thịt heo được bày bán ở các chợ truyền thống và siêu thị liên tục “lập đỉnh”, khiến người tiêu dùng "lao đao" theo từng cơn “biến động” giá. Thịt heo là thức ăn truyền thống lâu nay của người dân, nhất là vào dịp cuối năm thì nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng rất mạnh, nên việc tăng giá gây ảnh hưởng đến chi tiêu của đông đảo người dân. So với cách đây gần 2 tháng, thịt heo có giá tăng gần gấp đôi (từ khoảng 100.000 tăng lên gần 200.000 đồng/kg) . Tại chợ truyền thống, thịt heo nạc và thịt đùi có giá 145.000 đồng/kg, thịt ba rọi 155.000 đồng/kg; tại siêu thị, giá thịt ba rọi 155.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 165.000 đồng/kg, sườn non 195.000 đồng/kg… Đáng nói, lợi dụng giá thịt heo tăng, hàng loạt các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cũng tăng giá, kiểu “té nước theo mưa”.

Ngày 30-11, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 được điều chỉnh tăng 312 đồng/lít, xăng RON95 tăng 283 đồng/lít, dầu diesel tăng 25 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 có giá 19.819 đồng/lít, xăng RON95-III là 21.079 đồng/lít, dầu diesel 15.988 đồng/lít; dầu hỏa 14.962 đồng/lít, dầu mazut 11.188 đồng/kg. Đây là kỳ điều chỉnh tăng thứ 2 liên tiếp đối với mặt hàng xăng. Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 15-11, giá xăng E5 RON92 được điều chỉnh tăng 255 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 351 đồng/lít.

Chị Thu Hồng (đang làm công nhân cho một công ty may, thuê nhà ở trọ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) đang cân nhắc chọn mua thịt tại sạp, than thở: “Cuối năm, mặt hàng nào cũng tăng giá, và giá tăng quá cao khiến tôi “chóng mặt” theo. Giá thịt heo đã tăng trong mấy tháng nay, mới đây giá xăng dầu còn tăng theo. Người ta nói, do xăng tăng giá nên các mặt hàng tiêu dùng phải tăng theo. Mình là người mua nên chỉ biết chấp nhận, chứ biết kêu ai bây giờ. Lương công nhân mỗi tháng có hơn 4 triệu đồng nhưng phải trả tiền nhà trọ, tiền điện nước hơn 1 triệu đồng; tiền xăng xe, chi phí tiêu dùng mỗi tháng 3 triệu đồng thì quá eo hẹp, khó đảm bảo cuộc sống nổi”.

Cùng với mặt hàng thịt heo, xăng dầu thì giá gạo cũng tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế. Theo đó, gạo trắng thông dụng hiện có giá 11.500 đồng/kg, gạo sóc thường 14.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 15.200 đồng/kg, tấm thường 10.000 đồng/kg, tấm thơm 11.000 đồng/kg… Có thể nói, việc điều chỉnh tăng giá sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Chỉ cần một chút điều chỉnh tăng giá điện, xăng, dầu thì từ mớ rau, con cá… cho đến giá cả tiêu dùng, chi phí vận chuyển hàng hóa, giá nhà trọ… cũng tăng theo. Trong khi thu nhập thì cơ bản vẫn giữ ổn định, một khi các khoản chi phí đều tăng thì tất yếu đánh vào “hầu bao” người tiêu dùng, chắc chắn cuộc sống hàng ngày của người lao động sẽ bị đảo lộn, đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả.

Với hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2019 tăng 0,96% so tháng trước, tăng 3,78% so với tháng 12-2018 và tăng 3,52% so cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung thịt heo giảm, làm giá thịt heo và các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt heo tăng cao. Cụ thể, giá thịt heo đã tăng 18,51% trong tháng 11, tác động làm CPI chung tăng 0,78%. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm chế biến từ thịt heo và giá các mặt hàng thay thế cũng tăng, ngoài ra, còn do hầu hết các mặt hàng thiết yếu tăng giá kiểu “té nước theo mưa” và lợi dụng thời điểm “nhạy cảm” cuối năm để tăng giá.

Từ nay đến Tết Nguyên đán là khoảng thời gian người dân có nhu cầu mua sắm mạnh nhất trong năm. Theo ghi nhận nhiều năm, giá cả hàng hóa (nhất là các mặt hàng thiết yếu) sẽ tăng lên trong lúc này. Và người tiêu dùng dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận. Chính vì thế, việc điều tiết giá cả thị trường, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng “đua nhau” tăng giá sẽ giúp cho người tiêu dùng bớt vất vả!

HỮU HUYNH