Khu vườn nhà ông Phan Văn Mậu ở Rạch Chuôi, Ấp 2, xã Nguyễn Phích, cách đây khoảng 70 năm là nơi sinh sống và hoạt động cách mạng của cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Tại nơi này, vào năm 1955-1958, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã soạn thảo bản “Ðề cương Cách mạng miền Nam”. Trong khoảng thời gian này, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã được gia đình ông Phan Văn Mậu nuôi chứa, che chở an toàn.
Vốn là vùng căn cứ địa cách mạng nên vùng đất Nguyễn Phích bị tàn phá hết sức nặng nề, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1959, Mỹ và quân đội Sài Gòn cho đóng đồn bót khắp nơi, ngày đêm càn quét với chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”. Ông Huỳnh Trung Ngôn, hội viên cựu chiến binh, Ấp 2, xã Nguyễn Phích, từng là du kích địa phương, nhớ lại: “Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh phá rất ác liệt, nhiều trận càn quét dữ dội. Mặc dù vậy, quân và dân ở địa phương vẫn bám trụ và tham gia chống càn để giải phóng quê hương. Hầu hết thanh niên vào lực lượng vũ trang du kích tham gia chống càn, người dân thì đùm bọc, che chở cho bộ đội chiến đấu đến ngày giải phóng”.
Sau ngày giải phóng, người dân ở Rạch Chuôi, Ấp 2 nói riêng và trên địa bàn xã Nguyễn Phích nói chung tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng không ngừng nâng cao.
Người dân Ấp 2, xã Nguyễn Phích tích cực phát triển kinh tế gia đình và chung tay cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Văn Hiền, Bí thư Ðảng uỷ xã Nguyễn Phích, phấn khởi: “Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng quê hương. Xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các mô hình sản xuất cho người dân thực hiện. Ðồng thời, xã chủ động thực hiện linh hoạt các chính sách phát triển kinh tế rừng, nên đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 51 triệu đồng”.
Nguyễn Phích từng được biết đến là “túi nghèo” của huyện U Minh, hiện nay xã chỉ còn 263 hộ nghèo, chiếm 5,42% và 64 hộ cận nghèo, chiếm 1,31%, so với đầu năm 2024 đã giảm 151 hộ nghèo, giảm 3,11%. Hiện xã đã đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Cùng với việc triển khai thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, những năm qua xã đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn, nhằm giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.
Chính sách giao khoán đất rừng cho người dân quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi vực dậy kinh tế rừng, làm cho đời sống người dân dưới tán rừng không ngừng phát triển.
Ông Phạm Văn Hiền thông tin thêm: “Hiện địa phương đang tích cực triển khai thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, phấn đấu đến cuối tháng 6 này sẽ thực hiện hoàn thành tổng số 211 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, xã vận động các nguồn xã hội hoá để hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, cận nghèo để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Dù xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hiện nay Nhân dân Nguyễn Phích rất tự hào, bởi vùng đất nghèo khó ngày nào nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Những cánh rừng bạt ngàn, gắn liền với đó là nghề gác kèo ong truyền thống - Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, đây còn là vùng đất đầy tiềm năng phát triển lâm nghiệp, sự trù phú về nông nghiệp và nuôi thuỷ sản. Những ngôi nhà mới khang trang đang mọc lên từng ngày thay cho những ngôi nhà cũ ngày nào, là minh chứng rõ nét nhất về sự đổi thay của quê hương anh hùng./.
Theo Báo Cà Mau