“Sắt son một lòng” - tự hào phụ nữ Việt Nam

10/02/2025 - 10:25

Trong những ngày đầu năm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến khách tham quan triển lãm số rất ý nghĩa với tên gọi “Sắt son một lòng”. Triển lãm là lời tri ân sâu sắc đến những nữ chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trọn vẹn cuộc đời cho Tổ Quốc, vì độc lập tự do của dân tộc, qua đó là gửi gắm thông điệp về giá trị hòa bình cho thế hệ hôm nay.

Một mảng trong chủ đề 1 của triển lãm “Sắt son một lòng”. Ảnh chụp màn hình

Triển lãm được thực hiện tại trang web của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, địa chỉ: baotangphunu.org.vn. Với thiết kế 3D hiện đại, tích hợp đa phương tiện: hình ảnh, thuyết minh âm thanh, trực quan và video clip, triển lãm tạo được sức hấp dẫn và giúp người xem dễ dàng theo dõi từng mảng nội dung, hình ảnh, tư liệu được giới thiệu.

“Sắt son một lòng” gồm 3 mảng chủ đề: “Những người tiên phong”, “Kiên trung bất khuất” và “Bản lĩnh và trí tuệ”, giới thiệu những tấm gương phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong chủ đề đầu tiên, người xem sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, nữ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của nước ta; hay là về người phụ nữ đầu tiên được tặng Huân chương Sao Vàng - đồng chí Nguyễn Thị Thập. Người con ưu tú của đất Tiền Giang là người lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ, đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng (Chủ tịch) Hội LHPN Việt Nam dài nhất trong lịch sử.

Với chủ đề “Kiên trung bất khuất”, những tấm gương nữ anh hùng cách mạng được tái hiện sinh động. Đó là nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc, trở thành nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của nước ta, được Bác Hồ viết bài báo khen ngợi với nhan đề “Nguyễn Thị Chiên” đăng trên báo Nhân dân số 60, năm 1952. Hay là nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo, trước lúc hy sinh vẫn hiên ngang trước họng súng quân thù, chị không cần bịt mắt vì muốn nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng. Đó còn là nữ anh hùng Lê Thị Riêng, bị địch xử tử ngay trong những ngày Tết Mậu Thân 1968. Sự hy sinh anh dũng và chiến công của chị đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Tên của chị cũng được đặt tên cho Tiểu đoàn Nữ Biệt động vang danh.

“Bản lĩnh và trí tuệ”, chủ đề thứ 3 mở đầu bằng cuộc đời và những chiến công lừng lẫy của nữ tướng Xứ Dừa Nguyễn Thị Định, nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là thủ lĩnh phong trào Đồng Khởi và Đội quân tóc dài khiến quân thù khiếp sợ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta…”. Một không gian trưng bày trang trọng khác là hình ảnh đồng chí Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam và khung cảnh tái hiện Hội nghị Paris, nơi bản lĩnh và trí tuệ của các nhà lãnh đạo Việt Nam được khẳng định. Đồng chí Nguyễn Thị Bình là Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris từ năm 1969-1973. Hình ảnh “Madam Bình” theo cách gọi của truyền thông luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với báo giới Tây phương thời điểm ấy bởi những phát biểu nhẹ nhàng mà cứng rắn, thông minh, đầy thuyết phục. Đó còn là câu chuyện về nữ tù Côn Đảo kiên cường, bất khuất Trương Mỹ Hoa; là huyền thoại “Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng…

Còn rất nhiều nhân vật huyền thoại, nhiều câu chuyện hay, nhiều tấm gương sáng ngời được giới thiệu trong triển lãm “Sắt son một lòng”. Người xem như cuốn vào những trang sử đầy tự hào về Phụ nữ Việt Nam. Qua đó, khơi gợi lòng biết ơn và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một triển lãm ý nghĩa vào những ngày cuối năm, mà ai cũng có thể tiếp cận qua hình thức trực tuyến!

Theo Báo Cần Thơ