Lúa Hè thu sắp thu hoạch được thương lái thu mua lúc này với giá khá cao.
Đảm bảo an ninh lương thực
Thời gian gần đây, tại một số địa phương có hiện tượng thương lái mua gom lúa, gạo ồ ạt đã đẩy giá lúa, gạo lên cao. Đặc biệt tại nhiều vùng lúa Hè thu sắp thu hoạch hiện nay gần như giá lúa tăng lên hàng ngày. Anh Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết: “Năm nay, giá lúa biến động rất bất ngờ. Cách nay khoảng 10 ngày, tôi lấy tiền cọc từ thương lái với giá 7.600 đồng/kg lúa OM 18 cho 4ha lúa của gia đình thì nay giá đã lên trên 8.000 đồng/kg. Còn đối với những hộ thu hoạch lúa trong tháng 7 thì bán với giá chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg. Với giá hiện tại, dù vụ Hè thu năng suất lúa không cao nhưng nông dân thu hoạch vào thời điểm này vẫn có lợi nhuận khá”.
Thị trường xuất khẩu gạo khởi sắc, nông dân trồng lúa càng thêm phấn khởi.
Theo anh Kiên, hiện nay thương lái (cò lúa) vẫn tăng cường tìm mua lúa Hè thu sắp thu hoạch với giá cao, thậm chí đưa tiền cọc lúa Thu đông ở một số địa phương, dù lúa mới trong giai đoạn đẻ nhánh. Còn lúa khô được người dân thu hoạch xong vựa lại cách đây hơn nửa tháng thì bán ra với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất mà từ trước đến nay người trồng lúa mới bán được giá này.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, vụ lúa Hè thu 2023 nông dân trong tỉnh xuống giống được 75.207ha, đạt 100,95% kế hoạch, năng suất thu hoạch đạt khoảng 6,3 tấn/ha. Còn vụ lúa Thu đông kế hoạch gieo sạ 24.500ha, sản lượng ước đạt 132.000 tấn. Các giống được nông dân gieo trồng đều là giống chất lượng cao, đảm bảo cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, mới đây Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống...
Bộ Công thương cho biết, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Chỉ thị yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương rà soát tình hình sản xuất lúa, gạo tại địa phương thông tin tới Bộ Công thương về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn. Đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng lúa, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Tăng cường quảng bá, thâm nhập thị trường mới
Trong Chỉ thị của Bộ Công thương ban hành mới đây về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường lúa, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ Công thương cũng yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu gạo của nước sở tại; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương và thông báo tới Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời phối hợp, triển khai các công tác điều tiết, điều hành, hỗ trợ cần thiết. Riêng đối với các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo (như: thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Hoa Kỳ…), Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động; thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước.
Ngoài ra, thương vụ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ phối hợp với các Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam; giới thiệu sản phẩm Việt Nam tăng cường tiếp thị mặt hàng gạo, triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường nước ngoài; đặc biệt với các loại gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao để thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
Qua ghi nhận từ các ngành thì giá lúa gạo ngày 16-8-2023 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100-200 đồng/kg. Giá lúa OM 18 một số nơi ở mức 8.000 -8.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.800-8.000 đồng/kg. Với các chủng loại còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 7.300-7.500 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400-7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.200-7.600 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800-8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg. Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 11-8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giữ vững ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước, chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo. Chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới đến các hội viên xuất khẩu và các địa phương liên quan, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và của người sản xuất. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá gạo, gạo nội địa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Theo ước tính, đến hết tháng 7-2023, Việt Nam ước xuất khẩu được 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp... Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)