25 năm Chiến dịch “Mùa hè xanh”: Nhiều tấm gương sáng cùng câu chuyện đẹp

31/07/2024 - 14:29

Chiến dịch “Mùa hè xanh” (MHX) đã được triển khai suốt 25 năm qua trên địa bàn tỉnh. Trên chặng đường đầy ý nghĩa đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều câu chuyện đẹp, những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí những người lãnh đạo, chỉ huy, những gia đình nuôi quân và mỗi chiến sĩ đã từng tham gia, đã trở thành một phần ký ức tươi đẹp nhất của một thời thanh niên đầy nhiệt huyết, sôi nổi, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tỉnh. Tính đến nay, chiến dịch đã thu hút gần 57 ngàn chiến sĩ tình nguyện từ 315 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, cùng sự tham gia của 600 sinh viên quốc tế từ nhiều nước.

Các chiến sĩ Đội hình sinh viên cơ khí và bảo dưỡng công nghiệp Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện công trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn tại ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách năm 2019. Ảnh: Tỉnh đoàn

Nhiều dấu ấn tốt đẹp

Chúng ta có quyền vinh dự, tự hào được sinh ra và lớn lên từ dòng máu lạc hồng của một dân tộc anh hùng. Trải qua bao thế hệ của cha ông ta lớp lớp người đã ngã xuống vì một Việt Nam, vì một Tổ quốc anh hùng vĩ đại và nhân văn, nhất là thời kỳ có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngược dòng lịch sử, biết bao vị anh hùng, biết bao người con đất Việt đã đem xương máu để đổi lấy độc lập tự do, trong đó không thể thiếu bao anh hùng của thế hệ trẻ, từ Kim Đồng, Bế Văn Đàn, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu… Trên quê hương xứ Dừa cũng đã có nhiều tấm gương dũng cảm, kiên cường như Trần Văn Ơn; Nguyễn Thị Thành 13 tuổi đổ nồi tấm heo để khỏa lấp miệng hầm bí mật cứu cô Ba Định; em bé Sắc Tân Thanh ném lựu đạn vào kẻ thù; em Trịnh Văn Hiếu dùng mã tấu chém chết tên trung úy ngụy trận Bờ Sao, xã Bình Khánh trong Đồng khởi…

Truyền thống anh hùng bất khuất ấy đã và đang kế thừa phát huy qua bao thế hệ. Đất nước trải qua nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất Bắc - Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân và dân ta đã vượt qua bao khó khăn nghiệt ngã, vừa đương đầu với thù trong giặc ngoài, vừa phải quyết tâm thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm chúng ta đã chiến thắng để hôm nay có cả cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong thành tựu vĩ đại ấy không thể thiếu vai trò xung kích của tuổi trẻ trên mọi lĩnh vực từ việc học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc…”.

25 năm trước đây, tỉnh ta cực kỳ khó khăn và nghèo khổ bởi hậu quả chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt, có những huyện còn trên 40% dân số nghèo khó, vậy mà chúng ta đã đón tiếp hàng ngàn học sinh, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng về đây hoạt động tình nguyện MHX. Thật sự ban đầu UBND tỉnh và Tỉnh đoàn rất lúng túng chưa hình dung và lường hết những khó khăn diễn ra, có một số địa phương xem đây là một gánh nặng mà chưa biết hiệu quả như thế nào vì hầu hết là những sinh viên từng sống nơi thành thị mà về ở tận vùng sâu, vùng xa, lại sống trong nhà nông dân ở nông thôn chật hẹp, nhiều nơi không có điện…

Qua hoạt động thực tế năm đầu tiên đã cho ta nhiều kinh nghiệm và sau đó cứ hè về là chúng ta đón quân tình nguyện MHX, đội quân ấy đã để lại bao nhiêu dấu ấn tốt đẹp, không chỉ là những công trình như xây cầu, làm đường, ôn tập hè, làm vệ sinh…

“Ở dân thương, đi dân nhớ”

Sự gắn bó giữa sinh viên tình nguyện với bà con nông dân với phương châm “Ở dân thương, đi dân nhớ” hòa mình cùng nhân dân, được nhân dân yêu thương như con cháu trong gia đình. Ở xã Giao Thạnh (Thạnh Phú), chị Nguyễn Thị Ru nuôi và chăm sóc các em như em ruột trong gia đình. Mỗi lần chia tay, chị Ru đã đưa các em đến tỉnh, sau này khi các em lập gia đình mời chị dự lễ cưới như người thân trong nhà.

Bê-tông tuyến đường nông thôn tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách trong Chiến dịch Hành quân xanh năm 2023. Ảnh: Tỉnh đoàn

Ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm), anh Bảy Sết giặc quần áo, lo cơm nước cho các em vì các em lao động quá mệt. Các anh, chị, chú, bác nhà mà các em đóng quân đã chăm lo bệnh tật các em như con cháu trong nhà. Kết thúc chiến dịch chia tay nhau tặng quà cho sinh viên và ràn rụa nước mắt của kẻ ở người đi, tạo nên mối quan hệ sâu nặng ân tình và sự gắn bó yêu thương. Đã có rất nhiều sinh viên hễ có dịp là về thăm hỏi các gia đình mà mình từng đóng quân, tạo điều kiện chăm sóc và giúp đỡ, xem đây là quê hương thứ hai của mình vậy. Đặc biệt, có khá nhiều trường hợp họ đã trở thành dâu hoặc rể của tỉnh.

Mỗi mùa chiến dịch đi qua, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện nhiều công trình dân sinh thiết thực mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ. Nhưng có lẽ sự thành công lớn nhất của hoạt động tình nguyện MHX không chỉ là việc để lại các công trình mà là rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách cuộc sống của tuổi trẻ, cảm thông và chia sẻ gian nan khổ cực với bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khơi dậy tinh thần yêu thương, sự hy sinh của nhân dân trong thời chiến đã cống hiến cho công cuộc kháng chiến đầy hy sinh và gian khổ; đồng thời, còn có ý nghĩa khác nữa là đã kích thích mạnh mẽ phong trào của tuổi trẻ tại cơ sở càng ngày càng tham gia đông đảo vào các hoạt động tình nguyện tại địa phương mình.

Có thể nói, Chiến dịch MHX đã đạt mục tiêu “kép” vừa động viên việc học tập tại nhà trường của các sinh viên vừa tạo điều kiện để các em được rèn luyện trong thực tế, không ngừng nâng cao tri thức và trách nhiệm; gắn kết tri thức khoa học với nhân cách sống làm cho thế hệ trẻ ngày càng phát triển đa năng và toàn diện.

25 năm, tức ¼ thế kỷ đã trôi qua, nhưng dấu ấn của Chiến dịch MHX trên địa bàn tỉnh đã ghi đậm những hình ảnh đẹp, đó là tấm lòng của những người anh, người chị đã chăm sóc bệnh tật, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những người lính “áo xanh”, đó là những hình ảnh đẹp của đội ngũ tri thức trong tương lai đã đem sức mình xây dựng những công trình, phần việc góp phần phát triển quê hương và quan trọng hơn nữa nơi đây là môi trường rèn luyện giáo dục để tuổi trẻ Việt Nam ngày càng trưởng thành về tài đức, là những công dân ưu tú của đất nước.

Theo TRẦN CÔNG NGỮ (Báo Đồng Khởi)