504 - Tiểu đoàn anh hùng của vùng Đồng Tháp Mười

30/12/2024 - 10:29

Giữa mênh mông Đồng Tháp Mười, nơi kênh, rạch chằng chịt và lau sậy bạt ngàn, đã vang vọng bản hùng ca bất diệt của Tiểu đoàn 504. Từ những ngày đầu thành lập cho đến những trận đánh ác liệt chống đế quốc Mỹ, Tiểu đoàn 504 đã viết nên những trang sử hào hùng, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần quả cảm và tình quân - dân cá nước.

Nỗi lòng người ở lại

Các cựu chiến binh, những người anh hùng trở về sau cuộc trường chinh vệ quốc, luôn có những câu chuyện giá trị về tình đồng chí và lòng yêu nước. Những cựu chiến binh Tiểu đoàn 504 cũng vậy. Họ mang trong mình những ký ức không thể nào quên về đồng đội, những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy vinh quang.

Lật từng trang sách về truyền thống Tiểu đoàn 504 - đơn vị mà mình từng gắn bó, Thượng tá Lê Minh Đường (phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An) kể: “Tiểu đoàn 504 được thành lập vào tháng 7/1957 và chủ yếu chiến đấu tại khu vực Đồng Tháp Mười. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần vì dân chiến đấu. Không có chiến sự thì giúp dân tăng gia sản xuất, đào kênh, mương, xây dựng nhà cửa,... Bởi vậy, quân - dân luôn gắn bó máu thịt cùng nhau. Không có sự hỗ trợ, đùm bọc của người dân thì Tiểu đoàn 504 không thể sống, chiến đấu trên chiến trường gian khổ Đồng Tháp Mười và lập nhiều chiến công hiển hách”.

Thượng tá Lê Minh Đường đã dành nhiều tâm huyết để viết về tiểu sử, cuộc đời và chiến công của những người đồng đội thuộc Tiểu đoàn 504 ngày ấy

Ký ức về Tiểu đoàn 504 và đồng đội vẫn sống mãi trong tâm trí Thượng tá Lê Minh Đường.

Ông Đường dành nhiều tâm huyết viết về tiểu sử, cuộc đời và chiến công của những người đồng đội thuộc Tiểu đoàn 504 ngày ấy với mong muốn lưu giữ cho đời sau hiểu rõ về những hy sinh, lòng yêu nước của thế hệ cha ông. Trong đó có thể kể đến Trung tướng Lê Mạnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Rật (10 Tâm), Đại tá Dương Văn Thương, đồng chí Châu Văn Thiêm (6 Một),...

Những ký ức, tình cảm, sự anh hùng của người lính, qua ngòi bút của người cựu chiến binh bật lên những câu chuyện đậm tính nhân văn, sâu sắc.

Tiểu đoàn anh hùng

Cũng qua những câu chuyện ấy, thế hệ sau biết rõ thêm về tiểu đoàn anh hùng với những chiến công vang dội. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm từng nhận định: “Nói đến tỉnh Kiến Tường không thể không nhắc đến Tiểu đoàn 504, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà quá trình hình thành, phát triển luôn gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng của tỉnh này,... Tiểu đoàn 504 là lực lượng chủ lực nòng cốt cho chiến tranh nhân dân trên địa bàn Kiến Tường, một tỉnh trọng điểm bình định của địch ở vùng Đồng Tháp Mười. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 504 qua các thời kỳ luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, gắn bó mật thiết với nhân dân lập nên truyền thống đáng tự hào “Điều đâu đi đó, đánh đâu thắng đó, giữ nghiêm kỷ luật”.

Trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, Tiểu đoàn 504 đánh hơn 1.000 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến 4.500 tên địch, thu hơn 2.000 súng các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 26 máy bay, bắn chìm 230 tàu xuồng, bắn cháy 120 xe thiết giáp và xe quân sự,... Tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì.

Tiểu đoàn có 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Hồ Ngọc Dẫn, Trương Văn Tâm và Nguyễn Văn Minh.

Nhà truyền thống Tiểu đoàn 504 được khánh thành năm 2022 tại huyện Vĩnh Hưng (Ảnh: Trung Kiên)

Trong các chiến công to lớn của Tiểu đoàn 504, phải kể đến trận Gò Gòn, Gò Ông Lẹt, Kinh Nguyễn Văn Trỗi,... Chiến thắng Gò Gòn (ngày 03/2/1960) thật sự gây tiếng vang trên mặt trận chính trị, tư tưởng đối với quân - dân Vùng 8 nói riêng và căn cứ địa Đồng Tháp Mười nói chung. Trong trận này, ta tiêu diệt và làm bị thương 70 tên, thu 39 súng, 5 máy thông tin, bắt 21 tên địch, trong đó có tên đại úy tiểu đoàn trưởng.

Sau trận này, bọn địa chủ cường hào nơi đây đều e dè, sợ hãi cách mạng, không dám thu gom thóc lúa, cướp ruộng đất của nông dân. Trong trận Gò Ông Lẹt (năm 1965), địch chết và bị thương 80 tên, bị bắt sống 10 tên, ta thu 51 súng các loại và nhiều đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch.

Chiến thắng Gò Ông Lẹt là kết quả sự tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm đánh giặc trên đồng nước nổi Tháp Mười, đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang Kiến Tường, góp phần làm thất bại kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch, tạo khí thế và tiếng vang cho phong trào cách mạng.

Không chỉ “gây tiếng vang” ở vùng Đồng Tháp Mười, tại các địa phương khác trong tỉnh, Tiểu đoàn 504 cũng lập không ít chiến công. Trong đợt 2 tổng công kích tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 giao cho tỉnh Kiến Tường nhiệm vụ tổ chức tấn công vào thị xã Tân An.

Tháng 5/1968, Tiểu đoàn 504 hành quân xuống vùng ven thị xã Tân An, tổ chức đánh địch và lập nên nhiều chiến công. Trong trận Hiệp Thạnh ngày 16/8/1968, Tiểu đoàn 504 tiêu diệt 28 lính Mỹ, thu toàn bộ vũ khí của chúng. Đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử khi Tiểu đoàn 504 tiêu diệt hoàn toàn một trung đội lính biệt kích Mỹ.

Tiểu đoàn 504 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường và mối tình quân - dân thắm thiết. Những chiến công của Tiểu đoàn là một phần của lịch sử hào hùng, niềm tự hào của quân và dân Long An cho đến hôm nay./.

Theo Báo Long An