9X khởi nghiệp- bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long

08/11/2021 - 08:40

Từ vị bánh tét Trà Cuôn- Trà Vinh truyền thống, Kim Ngọc Vạn Phát (huyện Long Hồ) đã nối nghiệp gia đình để tiến thêm một bước- làm nên những đòn bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long vừa thơm ngon vừa đẹp mắt. Yêu vị bánh, yêu cách làm nên đòn bánh, Vạn Phát đã không ngừng học hỏi, mong muốn mang món bánh quê nhà đi xa hơn.

A A

Kim Ngọc Vạn Phát giới thiệu “Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long” tại lễ hội bánh dân gian.

Cách tân chiếc bánh của mẹ

Chia sẻ về nghề và lý do chọn Vĩnh Long để “gói bánh”, Phát cho hay: Trước đây gia đình gói bánh tét bán ở quê cha tại huyện Trà Cú (Trà Vinh), nhưng sống ở vùng xa, bánh tét khó mà vận chuyển, tìm thị trường.

Mong muốn tìm hướng đi mới, nên năm 2010, Phát cùng gia đình về quê mẹ ở Vĩnh Long để bắt đầu chặng đường mới. Tại Vĩnh Long, cô Ba Giang- mẹ của Phát bắt đầu gói bánh tét đem bán chợ và những chuyến xe đi TP Hồ Chí Minh với thương hiệu “bánh tét Cô Ba Giang”. Đến nay, thương hiệu đã có mặt 25 năm.

Học ĐH ngành Ngôn ngữ Anh ở Trường ĐH Cần Thơ, nhưng lại chọn theo nghề truyền thống gói bánh tét của gia đình, Phát bày tỏ: “Lúc còn học đại học, vào ngày lễ tết, tôi cũng mang bánh tét qua Cần Thơ bán. Những khách hàng gửi lời cảm ơn, khen bánh ngon khiến mình rất vui. Sau này, thấy ba mẹ đã lớn tuổi, lại nghĩ, nếu để nghề này mất đi thì đáng tiếc lắm. Nên tôi quyết định chọn giữ nghề làm bánh của gia đình”.

Tuy gọi là nối nghiệp, song với Phát đây là hướng khởi nghiệp mới mẻ, khác hoàn toàn với ngành được học. 25 tuổi, Phát luôn tìm tòi hướng đi mới, cách làm khác cho đòn bánh tét quen thuộc. “Tôi tập trung tìm hướng đi cho bánh tét từ miền Tây đến TP Hồ Chí Minh, bởi thị trường này rất ưa chuộng bánh dân gian”.

Bánh tét Cô Ba Giang đã có những cải tiến hơn so với bánh tét truyền thống. “Được đi và trải nghiệm nhiều nơi, tôi nhận thấy khẩu vị của người tiêu dùng thay đổi hơn, chuộng sản phẩm vì sức khỏe hơn. Do đó, đã đổi mới vị bánh tét thanh đạm hơn, không “đậm vị” để đáp ứng thị hiếu thị trường. Nhờ sự đổi mới này, bánh tét Cô Ba Giang được người tiêu dùng ưa chuộng hơn”.

Ngoài những vị truyền thống như bánh tét chay đậu ngọt, nhân chuối, nhân đậu mỡ, Phát còn “biến tấu” bánh tét sao cho “vừa ngon lòng vừa đẹp mắt”.

Từ hơn năm nay, Phát đã làm ra đòn bánh tét ngũ sắc 4 trứng và 6 trứng, với màu sắc hoàn toàn tự nhiên: màu cam từ trái gấc, sắc tím của lá cẩm, màu xanh của lá bồ ngót, màu đỏ từ trứng muối và màu vàng của đậu xanh. “Để giữ hương vị truyền thống, bánh tét ngũ sắc được gói từ nếp sống- để giữ cấu trúc bánh và nấu bằng củi. Thêm vào đó, nguyên liệu từ thiên nhiên tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và tươi bắt mắt”- Phát chia sẻ.

Đưa hương vị quê nhà đi xa

Để nâng công suất, chất lượng sản phẩm nên Phát cũng đã đầu tư hệ thống máy móc sao cho vừa giữ được vị truyền thống vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phát cho hay: Trước đây, mỗi lần trộn nếp rất cực nhọc và tốn thời gian, nên tôi đầu tư hệ thống máy trộn nếp và đang cố gắng hoàn thiện quy trình để đòn bánh được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, mà sản lượng bánh ra thị trường nhiều hơn. Với 7 nhân công, mỗi ngày lò gói 300- 400 đòn bánh, riêng dịp lễ tết, với gần 30 người, cung cấp từ 1.500- 2.000 đòn bánh.

Không còn gói gọn trong khuôn khổ chợ, quán ăn hay trạm dừng chân, Phát còn “bung” sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các hội chợ thương mại, hội bánh dân gian. Bởi theo Phát, đây là nơi giới thiệu sản phẩm tốt nhất, ít chi phí và quan trọng hơn hết là được lắng nghe góp ý, phản hồi của khách hàng, để từ từ hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng đa dạng phân khúc thị trường hơn.

Kim Ngọc Vạn Phát giới thiệu “Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long” tại lễ hội bánh dân gian.

Nói về những khó khăn trong đợt dịch bệnh bùng phát, Phát cho hay “khó chưa từng có”, vì thị trường tiêu thụ hầu như bị đứt. Tuy nhiên, “không thể ngồi chờ mà phải biết chủ động, đứng dậy tìm cách”.

Do đó, Phát đã quảng cáo trên mạng xã hội, bắt mối khách hàng, tìm kiếm nhóm shipper ở TP Hồ Chí Minh và giao đều 200- 500 đòn bánh/ngày. Nhờ đó, giữ thị trường tiêu thụ đến nay khá ổn định.

Lò bánh tét Cô Ba Giang hỗ trợ gần 5.000 đòn bánh, góp sức cùng bà con chống dịch.Ảnh do nhân vật cung cấp

Với Vạn Phát, làm ra những đòn bánh tét này mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là ngành kinh doanh mà bánh tét còn mang đậm bản sắc dân tộc.

Phát luôn tâm niệm phải giữ nghề- giữ bản sắc: Tôi đang nghiên cứu cách bảo quản bánh sao cho được lâu hơn để bánh đi xa hơn, như: sấy ly tâm, sấy lạnh, sấy nhiệt, hút chân không bánh… Như vậy, bánh sẽ bảo quản được 7- 15 ngày, sẽ có thể góp mặt tại thị trường cả nước.

Tôi còn ấp ủ sẽ xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan... Khi đó, những đòn bánh tét thơm lừng, đẹp mắt mang tên “Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long” sẽ được vươn xa, gói ghém cả tấm lòng và hương vị truyền thống quê nhà.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, lò bánh tét Cô Ba Giang cũng tích cực hỗ trợ khu cách ly và lực lượng tuyến đầu. Những chiếc bánh nghĩa tình theo các đoàn thiện nguyện, giúp đỡ cho người Vĩnh Long, đến Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. “Thấy những hoạt động thiện nguyện lúc đó quá ý nghĩa nên mẹ và anh em trong nhà phụ nhau gói bánh. Nhiều nhà hảo tâm cũng tiếp sức, cho nếp, đậu xanh. Trong 1 tháng, đã hỗ trợ gần 5.000 đòn bánh tét, góp sức cùng bà con chống dịch”- Kim Ngọc Vạn Phát vui vẻ chia sẻ.

Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Vĩnh Long)