Gợi nhớ “Đất phương Nam”
Những ai đã từng xem bộ phim “Đất phương Nam” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, công chiếu năm 1997) hẳn sẽ còn nhớ hình ảnh “bé An” (diễn viên Hùng Thuận) và “thằng Cò” (Phùng Ngọc đóng) thực hiện món gà nướng đất sét trên lửa rơm, sau đó xé ra ăn ngon lành, nóng hổi.
“Hồi nhỏ, xem bộ phim “Đất phương Nam”, trong ký ức tôi vẫn cứ lưu lại món gà nướng đất sét. Nhiều khi trong mơ, tôi vẫn thèm ăn món gà nướng đất sét đúng kiểu miền Tây sông nước”- anh Trần Viết Quân (quê Lâm Đồng, định cư ở TP. Hồ Chí Minh) bộc bạch.
Anh Tuấn thực hiện món gà nướng đất sét
Trong những lần đi công tác đến An Giang để xây dựng ứng dụng nông nghiệp cho tỉnh, anh Quân và nhóm bạn được giới thiệu món gà nướng đất sét Mỹ Hòa Hưng. Món ăn này do anh Hồ Quốc Tuấn, còn được biết đến với biệt danh “Tuấn sơ-ri”- người từng đoạt giải thưởng Lương Định Của, thực hiện.
“Lần đầu tiên, tôi được thấy món gà được bọc trong đất sét, nướng trên than củi. Khi gà chín, da vàng ươm, thơm lừng. Thịt gà nướng đất sét chấm với muối ớt chanh, ăn kèm gỏi bắp chuối hột ngon hết sẩy. Chủ quán còn dùng lòng gà làm món lòng xào mướp, tặng kèm tô cháo nóng rất ngon”- anh Quân chia sẻ.
Anh Hồ Quốc Tuấn, chủ quán “Vườn sơ-ri” (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng) cho biết, đối với món gà nướng đất sét truyền thống, người ta dùng đất sét bao bọc cả con gà còn để nguyên lông (không làm sạch trước), nướng vùi vào đống rơm theo kiểu cá lóc nướng trui. Khi gà chín, người ta tháo lớp đất sét ra, lông và da gà bị dính vào đất sét, còn lại phần thịt trắng.
“Với kiểu để nguyên lông bọc đất sét nướng rơm, chỉ sử dụng được phần thịt gà, riêng da gà và bộ đồ lòng không dùng được. Để đảm bảo vệ sinh, tôi làm sạch gà trước, ướp chút muối ớt cho thấm rồi gói quanh bởi lá sen hoặc lá chuối hột non trước khi bọc đất sét bên ngoài. Gà nướng khoảng 45 phút là vừa chín. Cách làm này vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên của thịt gà, khi ăn không cần bỏ da, lại có thể sử dụng được lòng gà”- anh Tuấn chia sẻ.
Cá tai tượng chiên xù
Hiện nay, món gà nướng đất sét được xem là đặc sản của quán “Vườn sơ-ri” cũng như cù lao Ông Hổ. Khách muốn ăn món này thường gọi điện thoại cho anh Tuấn đặt trước, báo giờ đến quán để không phải chờ lâu. “Món này khó làm ở chỗ, nướng gấp thì gà không chín đều, mà nướng lâu thì thịt gà mềm quá, không ngon. Gà nướng đúng 45 phút là ngon nhất”- anh Tuấn nhấn mạnh.
Bình dị, chân quê
Đối với một thanh niên tự thân lập nghiệp như anh Hồ Quốc Tuấn, việc xây dựng quán “Vườn sơ-ri” không hề dễ dàng. “Trước đây, đường vào đất vườn thường xuyên ngập nước, anh em tôi góp sức đắp tuyến đường đất từ khu dân cư vào nhà.
Sau khi cải tạo, phát triển được vườn sơ-ri tươi tốt, cho trái ngon lành thì đợt lũ năm 2011 gây vỡ đê, khiến sơ-ri gần như chết sạch. Tôi dời quán sang địa điểm khác để gầy dựng lại mảnh vườn. Giờ đây, diện tích vườn của gia đình, anh em rộng khoảng 10 công đất đang có đủ các loại cây ăn trái như: xoài cát Hòa Lộc, sơ-ri, táo, mận…
Cùng với đó là hệ thống các ao, mương nước thả nhiều loại cá. Tôi xây dựng quán ngay trên mặt hồ, dọc theo mương nước để khách vào đây có thể vừa ăn uống, vừa câu cá giải trí”- anh Tuấn chia sẻ. Ngoài món chủ lực là gà nướng đất sét, rượu sơ-ri, mật sơ-ri, thanh niên “8X” Hồ Quốc Tuấn còn chịu khó đi nhiều nơi học hỏi hoặc tự nghiên cứu các món ăn mới.
“Tận dụng lợi thế cù lao Ông Hổ có khá nhiều hến nên tôi làm món hến xúc bánh đa. Món ăn này khi kết hợp xào cùng sả, rau răm, gừng và gia vị, xúc với bánh đa ăn rất ngon, lại đỡ ngán so với thịt, cá”- anh Tuấn thông tin.
Đối với các loại cá do khách tự câu được như: rô phi, tai tượng, cá tra, cá lóc…, chủ quán sẽ chế biến thành các món cá chiên xù, nấu lẩu, nướng trui… “Trong quá trình đi học kinh nghiệm, tôi còn chế biến được món bò tơ cuộn kiểu Củ Chi, gà nướng cơm cháy… để phục vụ khách”- anh Tuấn nói thêm.
Đến Mỹ Hòa Hưng, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên của vùng đất cù lao giữa dòng sông Hậu, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng in đậm công lao của người đồng chí với Bác Hồ năm xưa, du khách còn bị thu hút bởi các món ăn ngon, vườn cây ăn trái và con người hiền hòa, chân chất. Cùng với quán “Vườn sơ-ri” của anh Tuấn, còn có quán “Vườn táo” của anh Tùng, những mô hình “homestay” kết hợp ăn uống, tham quan, nghỉ dưỡng… Đó là những nét chấm phá độc đáo trên vùng đất cù lao Ông Hổ.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN