Bạc Liêu: Đám cưới trên đường quê

06/11/2022 - 09:28

Cho đến bây giờ tôi vẫn mê nhìn đám cưới rước dâu trên đường quê. Mê nhìn chiếc vỏ lãi chở cô dâu mặc áo dài khăn đóng trên sông nước. Mê thấy hai họ rước dâu về trên cầu tre lắc lẻo hay xếp thành hàng nối dài trên con đường nhỏ vắt ngang cánh đồng lúa chín. Cảnh nào thì đám cưới trên đường quê cũng đẹp lạ lùng.

A A

Riêng tôi, có trong ký ức hai đám cưới trên đường quê. Một lần trong vai cô bé bưng trà mời chú rể. Một lần làm… vai chính - cô dâu.

Mùa này là mùa vào cưới. Hồi xưa (xưa theo độ tuổi tôi thì xa nhất để nhớ được là hơn 30 năm thôi) đám cưới thường chỉ diễn ra vào hai mùa, mùa gần tết và mùa sau tết. Có lẽ bởi khi xưa đường sá ở nông thôn thường là đường đất. Người ta phải đợi mùa khô mới làm đám cưới, hoặc những nhà nông thôn thì chờ mùa thu hoạch lúa mới có tiền để mà sắm vàng rủng rỉnh đi hỏi cô dâu. Mới có câu hát “ra Giêng anh cưới em”, câu hát nghe vui rộn ràng thì mùa cưới ở quê cũng rộn ràng niềm vui như vậy đó.

… Đám của dì tôi là lúc tôi chừng 8 - 9 tuổi, khoảng năm 1988 - 1989. Dì là em cô cậu của mẹ tôi, nhà ở tận Nước Ngọt - một địa danh thuộc xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) bây giờ. Tôi dự đám với vai trò là đứa bưng ly trà mời chú rể khi qua rước dâu. Hồi ấy, tôi mũm mĩm lắm, là đứa dễ nuôi nên được cử làm vai ấy. Với lại dì tôi muốn “trộm vía” để sinh được con gái đầu lòng, bởi quan niệm ở nông thôn “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” (và sau này dì đã được toại nguyện với đứa con gái đầu lòng).

Ảnh minh họa: T.L

Tôi ấn tượng nhất là ngày trước khi vào đám cưới, cái nền đất được ông cậu tôi chỉ huy dàn lính tráng thanh niên trong nhà rồi thanh niên ở xóm góp sức làm. Họ đổ một lớp trấu lên những chỗ còn ít bùn lầy (do mấy đám mưa cuối mùa vương lại), sau đó thì trải bao bố lên toàn bộ mặt sân cho sạch (loại bao ngày xưa dùng để đựng lúa, gạo). Cổng đám cưới thì được trang trí bằng lá và bông dừa, mấy chị em phụ nữ khéo léo thì phụ trách cột chỉ bắt chéo chỗ mấy khung rạp rồi cột vải vụn đủ sắc màu, nhìn chúng bay phất phơ cũng rất vui mắt. Đó là những “phần việc” mà đám cưới bây giờ ít có. Kể cả ở quê bây giờ, người ta dựng rạp cưới bằng rạp khung sắt, trang trí dây đèn, hoa vải, hoa tươi hoành tránh hơn nhiều. Còn trong gian bếp của đám thì lủ khủ thức ăn để đãi đằng khách khứa. Tôi nhớ nhất là mấy khạp đựng cốm gạo ngào đường. Để làm được loại cốm này, người làm phải công phu lắm, rang gạo rồi ngào đường trộn vào, xếp và ấn thành miếng cốm rất giòn và thơm. Cắt từng khoanh vừa miệng ăn rồi bài trí ra đãi khách.

Tôi nhớ mãi hình ảnh dì tôi (là con gái Út của ông cậu) với mái tóc cô dâu phải ngủ ở tư thế ngồi nguyên đêm để giữ cho tóc không bị hư, bị rối. Thời đó đánh tóc cho cô dâu vừa lâu, vừa tốn nhiều tiền nên cô dâu thường chỉ làm tóc một lần duy nhất trong nguyên cái đám cưới, ít nhất là 2 ngày. Nên bên cạnh niềm vui được làm cô dâu xinh đẹp thì còn là “cực hình” vì phải giữ nguyên hiện trạng cái đầu với đầy keo, hoa, chuỗi… như vậy cả 2 ngày liền.

Đám cưới thứ hai mà tôi chắc chắn không thể quên đó là đám cưới mà tôi là nhân vật chính. Dù cách nhà mẹ ruột chỉ chừng 30km, nhưng độ xa đó đủ khiến đám cưới tôi là một đám cưới quê đúng nghĩa. Tôi không thể nào ngờ có ngày mình được ngồi trên chiếc xuồng quê chòng chành trên sông nước trong bộ áo dài khăn đóng. Nhớ cái cảnh đám cưới đi ngang thì bầy trẻ hai bên sông túa ra xem. Rồi phải đi qua cầu ván gập ghềnh, tuy không khó đi nhưng cũng là những bước chân vụng về của người chưa từng quen đường đi nước bước nơi quê lạ. Những người đồng nghiệp, bè bạn theo chân tôi về quê chồng năm ấy chắc hẳn cũng ít nhiều ấn tượng với đám cưới này. Không khí bà con hàng xóm giùm đám, không chỉ là chuyện dựng rạp, chuẩn bị mâm cỗ mà sau đám còn là hậu chiến trường dọn dẹp mọi thứ. Tôi nhìn các cô, các chị làm mà thán phục cái gọi là tình làng nghĩa xóm ở nông thôn thời ấy…

Đám cưới ở quê một thời đong đầy những ký ức đẹp. Kể lại chuyện này là vì hôm nọ, trên phây-bút có nhỏ bạn đăng dòng trạng thái đại loại là mơ có một đám cưới rước dâu ngồi trên xuồng có bầy trẻ kéo ra xem. Nó làm sống lại trong tôi những ký ức ấy. Bây giờ đường sá thênh thang, nông thôn mới cầu bê-tông thẳng thớm, xe ô tô tới thẳng cổng nhà. Nên đám cưới quê giờ cũng đổi thay nhiều…

Theo Báo Bạc Liêu