Bạc Liêu: Kết nối cung - cầu hàng hóa: Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

30/12/2021 - 14:17

Các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp của tỉnh khá dồi dào, song hầu hết các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, phát triển thị trường. Vì vậy, kết nối cung - cầu là một trong những hoạt động giải pháp thiết thực để DN, cơ sở sản xuất của tỉnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Chị Cẩm Tú - chủ cơ sở Kiều Hạnh chuẩn bị hàng hóa để quảng bá, cung ứng cho khách hàng. Ảnh: T.Q

SỐ HÓA HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI

Từ đầu năm đến nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh (Sở Công thương) vẫn tích cực tổ chức cho DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh tham gia nhiều đợt kết nối cung - cầu, hội chợ, triển lãm qua hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Bên cạnh hỗ trợ tham gia các gian hàng triển lãm, quảng bá, kết nối trực tuyến, còn tham gia triển lãm gian hàng thực tế ảo trên website của chương trình.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - chủ cơ sở khô Kiều Hạnh (huyện Vĩnh Lợi), chia sẻ: “Trước đây cơ sở của chúng tôi chỉ tiêu thụ khoảng 2 tấn khô/năm, thị trường chủ yếu là nội tỉnh. Nhưng từ năm 2020 đến nay, sau khi được Trung tâm KC&XTTM tỉnh hỗ trợ tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành khác đã giúp cơ sở ký kết được với nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ, mỗi năm xuất bán trên 5 tấn khô. Năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ Trung tâm hỗ trợ tham gia kết nối cung - cầu trực tuyến, gửi hàng hóa tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành khác… đã giúp cơ sở kết nối với nhiều nhà phân phối, khách hàng tiềm năng”.

ĐẨY MẠNH KẾT NỐI, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Hiện nay sản phẩm hàng hóa của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường. Đến nay, tỉnh có hơn 90 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận và nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đa số các sản phẩm đảm bảo quy mô sản xuất, sản lượng cung ứng để vào các kênh phân phối hàng hóa trong nước. Do đó, để có thể đưa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tiến xa hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ,  thời gian tới, Trung tâm KC& XTTM tiếp tục duy trì, cải tiến và không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức để hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất phát triển thị trường. Bên cạnh việc duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống, Trung tâm cũng chú trọng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung - cầu; khuyến khích DN hỗ trợ, hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân để hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng đặc sản, nông sản ở từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng như sàn TMĐT; hỗ trợ DN, cơ sở, HTX tham gia bán hàng qua các trang TMĐT lớn như: Voso, Postmart…

Có thể thấy việc hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh tham gia kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua là chìa khóa giúp giảm bớt áp lực cung - cầu hàng hóa. Đồng thời, là cơ hội lớn để các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giúp thị trường bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho thị trường, cũng như đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho các thị trường lân cận, tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Theo Báo Bạc Liêu