Bạc Liêu: Những “bóng hồng” sau cánh cửa cai nghiện

24/06/2024 - 16:17

Đằng sau cánh cửa Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, ngoài những chàng trai lầm đường lỡ bước còn có không ít “bóng hồng”. Chỉ vì một chút buồn hay một phút vui, vì một phút nông nổi thiếu suy nghĩ, nhiều “bóng hồng” đã lấn sâu vào ma túy. Giờ đây, những “bóng hồng” ấy đang quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ để trở về làm lại cuộc đời.

Các học viên nữ ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tham gia văn nghệ. Ảnh: T.Q

Vết trượt đầu đời

17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu và cuộc đời còn đầy màu hồng, tương lai rộng mở, ấy vậy mà em N.T.A (huyện Hồng Dân) đã tự tay đẩy cuộc đời vào bóng tối khi 2 lần tiếp cận “nàng tiên nâu”.

A. sinh ra trong một gia đình nhà nông, cuộc sống tuy không khá giả nhưng cha mẹ luôn lam lũ lao động để nuôi chị em A. được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Chị của A. đã tốt nghiệp đại học và theo nghề Y tại TP. Cần Thơ; còn A. thì không tha thiết lắm với chuyện học hành nên xin cha mẹ lên tỉnh Đồng Nai làm công nhân. Trong những ngày sống xa nhà, không vượt qua được cám dỗ nơi phồn hoa đô thị, A. đã sa chân vào vũng lầy và không thể thoát ra được.

Lần đầu tiên vào điều trị ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, A. nhớ nhà, nhớ cha mẹ quay quắt, dằn vặt hối hận vì làm khổ người thân, em nguyện quyết tâm làm lại từ đầu. Sau thời hạn cai nghiện, A. được mẹ đưa lên TP. Cần Thơ học nghề. Trong quá trình chờ nhập học, em bị bạn bè xấu lôi kéo tiếp tục quay lại sử dụng ma túy. Không lâu sau, A. lại bị đưa đi cai nghiện. Lần cai nghiện này, A. đã mạnh dạn hơn, em tham gia học nghề đan lục bình, chơi thể thao, tham gia văn nghệ. A nghẹn ngào chia sẻ: “Em không nghĩ mình lại mắc sai lầm đến 2 lần, giờ đây em mới thật sự thấm thía nỗi đau của người thân, sự sa ngã của bản thân mình. Những ngày này em cố gắng điều trị để sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời”.

Mới 23 tuổi nhưng N.T.N (huyện Đông Hải) đã trải qua “một lần đò”, phải gửi 2 con cho mẹ chăm sóc để làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai. Xa nhà, sống cô đơn, buồn bã vì hôn nhân đổ vỡ, N. tìm vui qua làn khói trắng. Trong những lần tụ tập sử dụng ma túy, N. quen với một người có cùng hoàn cảnh, sau này 2 người trở thành vợ chồng và dắt nhau về xã Định Thành (huyện Đông Hải) sinh sống. Về quê được vài tháng, chồng N. bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, N. xin đi theo vì em cũng muốn đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”.

Nhờ sự giúp đỡ, chăm sóc của cán bộ, sự sẻ chia tình cảm của các học viên trong cơ sở cai nghiện đã giúp N. lạc quan hơn. Nhìn lại những tháng ngày qua, N. thấy mình cần phải thay đổi để làm lại cuộc đời, lo cho con và không làm người thân lo lắng. Chỉ còn 1 tháng nữa là vợ chồng N. được tái hòa nhập cộng đồng, N. chỉ mong xã hội đừng kỳ thị, rũ bỏ những người đã từng một thời lầm lỗi để em có thể vững tin làm lại cuộc đời.

Cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tư vấn tâm lý cho học viên nữ.

Dốc lòng cảm hóa người nghiện

Là đơn vị có chức năng tư vấn, điều trị, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cắt cơn, giải độc; tư vấn cho người nghiện ma túy có nhu cầu điều trị; phòng, chống tái nghiện, hiện Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận, quản lý và giáo dục hơn 400 học viên. Không chỉ là nơi giúp các học viên có cơ hội từ bỏ “cái chết trắng”, cơ sở còn đào tạo nghề giúp các học viên có thể nuôi sống bản thân, phù hợp với khả năng mỗi người như: điện dân dụng, điện công nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi, đan đát, sửa xe...; tổ chức lao động sản xuất, tham gia giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và hỗ trợ người nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập. 

“Mỗi học viên là một tính cách khác nhau, do đó, trước khi tư vấn, chúng tôi thường tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh rồi mới đưa ra lời tư vấn thích hợp. Chúng tôi luôn dùng biện pháp nhẹ nhàng, đánh vào tâm lý để có thể khai thác nội tâm, giúp học viên cởi mở lòng mình. Bằng tất cả trách nhiệm, chúng tôi quyết tâm giúp học viên làm lại cuộc đời, tìm lại ánh sáng hoàn lương, sớm tái hòa nhập cộng đồng, không còn là gánh nặng cho xã hội”, chị Lê Thị Diễm My, cán bộ Phòng Tư vấn - Tâm lý chia sẻ.

Cai nghiện là việc không đơn giản, nó phụ thuộc rất lớn vào ý chí, quyết tâm của từng người. Để cai nghiện thành công, ngoài sự giúp đỡ của cơ sở, ý chí nghị lực của từng người thì gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng để giúp cánh cửa hoàn lương của người nghiện rộng mở. Đó là việc gia đình thường xuyên ở bên động viên, chia sẻ, xã hội thông cảm, giúp đỡ khi họ quay trở về, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời và mạnh dạn bước đi trên con đường tìm lại chính mình…

Theo MINH LUÂN (Báo Bạc Liêu)