Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ trên 620.000 ha (chiếm 91% diện tích nuôi tôm cả nước); sản lượng tôm thu hoạch hằng năm khoảng 484.000 tấn (chiếm 81% sản lượng tôm cả nước).
Thực tế, những năm gần đây ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu.
Điển hình năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ 6 trong số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng để chế biến xuất khẩu ở Bạc Liêu.
Trong đó, tôm nước lợ hằng năm đạt trên 3,5 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng chung của cả nước, góp phần giải quyết vấn đề lao động và việc làm, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Riêng tỉnh Bạc Liêu, năm 2018 địa phương này có khoảng 140.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi thủy sản đạt trên 227.000 tấn. Góp phần nâng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt gần 11.000 tỷ đồng, chiếm 42% giá trị GRDP toàn tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt gần 296.000 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Ước thực hiện cả năm tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản của Bạc Liêu đạt 365.000 tấn. Như vậy, ngành nông nghiệp tỉnh này tăng trưởng 5,1%, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2019 đạt 10,61%.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tập trung xây dựng vùng nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 có 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Trong đó có 3 vùng nuôi trồng thủy sản, 1 vùng sản xuất giống thủy sản.
Đến năm 2025, địa phương có 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên (9 vùng nuôi, 1 vùng sản xuất giống thủy sản); góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 750 triệu USD, năm 2025 đạt 1 tỷ USD.
Theo ĐỨC VĂN (Công an nhân dân)