Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu.
Tính đến tháng 12/2021, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Bạc Liêu thực hiện hơn 2.594 tỷ 609 triệu đồng, so với kế hoạch đạt 95,8% và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng số cơ sở sản xuất - kinh doanh cơ bản giữ được hoạt động và góp phần giải quyết việc làm cho 4.390 lao động. Riêng hoạt động thương mại - dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 17.617 tỷ 227 triệu đồng và tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị đã chủ động nguồn hàng dự trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu để tránh trường hợp khan hàng, sốt giá vào lúc cao điểm nhiều biến động này. Công tác quản lý và kiểm tra được quan tâm, nên giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không có biến động về giá. Bên cạnh đó, lưu thông được nới lỏng nên việc vận chuyển hàng hóa cũng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân… Đặc biệt, hình thức bán hàng trực tuyến được các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh tập trung khai thác tốt nên góp phần giữ vững tăng trưởng và thúc đẩy lĩnh vực này phát triển ngay trong điều kiện phải hạn chế họp chợ, tránh tụ tập đông người…
Đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa thực hiện trên 2.016ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Song, nhờ năng suất đạt cao (trên 7 tấn/ha) nên cho tổng sản lượng 14.475 tấn, so cùng kỳ tăng 5,2%.
Riêng rau màu được giữ vững với diện tích gieo trồng trên 4.730ha và cho tổng sản lượng 62.586,8 tấn, tăng 1,5%.
Sản xuất rau màu trên địa bàn xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
Về chăn nuôi gia súc - gia cầm và động vật hoang dã, đến nay đạt 145.917 con và so với cùng kỳ tăng 12,8%. Trong đó, tổng đàn gia súc chiếm 26.094 con, đàn gia cầm 54.377 con, động vật hoang dã 65.446 con (gồm cá sấu, nhím, bồ câu, heo rừng, rắn mối, rắn hổ)… Ngoài ra, bà con nông dân còn tập trung phát triển một số mô hình sản xuất mới như mô hình nuôi gà mía, trồng nấm…
Nhìn chung, hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2021 của thành phố tuy một số lĩnh vực tăng trưởng khá, nhưng trên tổng thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, cũng như sức mua của người dân. Điều này đã khiến cho sản xuất bị ngừng trệ, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, nhiều mặt hàng phải tập trung “giải cứu”. Thêm vào đó, người lao động bị thất nghiệp tăng cao, thu nhập thấp, dẫn đến nhu cầu mua bán bị hạn chế so với trước đây.
Mặt khác, hệ thống thủy lợi tưới tiêu còn nằm chung với vùng nuôi trồng thủy sản và hệ thống tiêu thoát không được đảm bảo, điện phục vụ sản xuất một số nơi chưa được đầu tư… Trong năm, nhiều diện tích sản xuất lúa ở xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông, Phường 7, Phường 1 bị ngập úng thường xuyên và không có đường thoát nước. Công tác khuyến nông gặp nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí nên việc đầu tư nghiên cứu thực hiện thành công các mô hình cây - con giống mới đã qua trên địa bàn thành phố không được chuyển giao cho người sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhất là về giá cả, đầu ra còn bấp bênh nên nông dân chưa an tâm đầu tư vào sản xuất. Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển tiêu thụ nông sản…
Tất cả những khó khăn và bất cập này sẽ được TP. Bạc Liêu tập trung tháo gỡ trong năm 2022 gắn với các giải pháp tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng thích ứng với đại dịch COVID-19, đảm bảo cho hoạt động sản xuất - kinh doanh được tiếp tục tăng trưởng cao.
Theo NGUYỄN ĐÀO (Báo Bạc Liêu)