Bác Sáu Dân với cuộc sống người dân vùng lũ ĐBSCL!

23/11/2022 - 08:40

Trong một lần nói chuyện về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tôi, anh Mười Phú- Trương Quang Phú - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói:

A A

- Em viết một bài báo mang dấu ấn của bác Sáu Dân đi, có vấn đề này anh thấy khá hay đó.

- Là vấn đề gì vậy anh Mười? - Tôi hỏi lại anh.

Anh Mười Phú nói:

- Là sự đóng góp của bác Sáu Dân (tên gọi thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) trong việc quy hoạch, xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL. Nhờ đó, hàng trăm ngàn hộ với hơn 1 triệu dân được an cư để lao động sản xuất, trẻ em có điều kiện học hành, tránh được cảnh sống tạm bợ, bấp bênh mỗi khi lũ về hàng năm!

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo xanh) trong một chuyến khảo sát thực địa vùng lũ tại ĐBSCL. Ảnh tư liệu

Khi là Thủ tướng Chính phủ

Thấy gợi ý của anh Mười hay quá, tôi tra cứu tài liệu về xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ thì được biết, từ Đại hội VII của Đảng (1991 - 1995), Chính phủ đã có chỉ thị về quy hoạch dân cư ĐBSCL, đặc biệt là ở các vùng chịu ảnh hưởng lũ lụt hàng năm, đó là Chỉ thị 815/TTg ngày 12/12/1995 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Có thể nói đây là tiền đề, gợi mở cho các quyết sách của Đảng và Chính phủ trong việc lo an sinh, an cư của người dân vùng ngập lụt ĐBSCL.

Nội dung Chỉ thị 815 nhấn mạnh: “… Để thực hiện nhiệm vụ phát triển và khai thác tiềm năng ĐBSCL trong thời kỳ mới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị ngập lụt. Từ nay đến hết quý II/1996, từng tỉnh phải xây dựng xong quy hoạch các khu dân cư cho 5 - 15 năm tới của tỉnh mình. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, phải từng bước lập và thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư mới, trước mắt là từ nay đến năm 2000”.

Chỉ thị định hướng việc xây dựng quy hoạch các khu dân cư, phải chú ý các vấn đề sau:

- Căn cứ quy hoạch tổng thể của ĐBSCL và của các tỉnh, quy hoạch này phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên của từng địa phương, bảo đảm phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, bảo đảm sự cân đối giữa các mặt kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái.

- Căn cứ phong tục, tập quán và điều kiện cụ thể, xác định mô hình sản xuất và sinh hoạt của nhân dân theo tuyến, theo cụm, hoặc các mô hình khả thi khác... để xây dựng những khu dân cư có diện tích và dân số hợp lý, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, về trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.

- Bố trí đất thổ cư phù hợp tình hình quỹ đất của địa phương, dành đất cho việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội như đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, bệnh xá, nghĩa trang, cơ sở văn hóa... nhằm tạo điều kiện để người dân được cung ứng đầy đủ các dịch vụ, phúc lợi xã hội và cải thiện vệ sinh môi trường.

- Căn cứ mức kiểm soát lũ được xác định trong quy hoạch chống lũ ĐBSCL, lựa chọn hình thức kết cấu thích hợp cho nhà cửa và các loại công trình khác bảo đảm những sinh hoạt chủ yếu nhất của nhân dân không bị gián đoạn trong thời gian có lũ.

- Việc xây dựng các khu dân cư phải theo phương châm: Không gây ra những biến động lớn trong đời sống nhân dân, điều chỉnh dần từng bước để đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra từ thấp đến cao, từ bộ phận đến tổng thể. Trước hết, phải tập hợp những điểm dân cư rải rác, di chuyển các điểm dân cư có nguy cơ sụt lở vào những cụm, tuyến dân cư hợp lý.

Sau khi quy hoạch được duyệt, phải công bố rộng rãi cho nhân dân biết để người dân chủ động định liệu việc xây dựng cơ ngơi ổn định và kế hoạch làm ăn sinh sống lâu dài.

Sau đó không lâu, ngày 9/2/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành Quyết định số 99-TTg về định hướng dài hạn và Kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL. Trong đó, phần về xây dựng và tổ chức lại các khu dân cư, Quyết định 99-TTg nêu cụ thể hơn Chỉ thị 815:

- Riêng đối với vùng ngập lụt, phải bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân ở nông thôn và các đô thị, các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng với mức lũ năm 1961, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

- Đối với khu dân cư ở nông thôn: Hình thành các cụm dân cư hoặc các tuyến dân cư được bảo đảm an toàn không bị ngập lụt bằng cách đào ao, hồ lấy đất tôn nền theo cụm, đào kênh lấy đất tôn nền dọc bờ kênh, đắp bờ bao khu dân cư hoặc làm nhà trên cọc, kết hợp với việc bố trí hợp lý các công trình phúc lợi công cộng.

- Đối với các thị xã, thị trấn, thị tứ, khu trung tâm các cụm dân cư được bảo đảm an toàn không bị ngập lụt bằng cách đào ao, hồ để lấy đất tôn nền hoặc đắp bờ bao, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi. Việc đắp bờ bao các khu dân cư phải thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp - PTNT để tránh làm dâng cao mực nước được kiểm soát.

Như vậy, chỉ trong thời gian chưa tới 2 tháng, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản rất quan trọng chỉ đạo về dân cư ở ĐBSCL với mục tiêu lâu dài có tầm chiến lược.

Sau đó, khi Chỉ thị 815 và Quyết định số 99-TTg đang được triển khai thực hiện thì năm 2000, cơn lũ lịch sử nhấn chìm cả đồng bằng. Ngay giữa cơn lũ, mặc dù lúc này ông đã xin thôi chức Thủ tướng để Quốc hội bầu người trẻ hơn làm Thủ tướng, còn ông được Đảng giao làm Cố vấn BCH Trung ương, nhưng với trọng trách mới và trách nhiệm trước dân, ông liên tục có những chuyến đi về vùng lũ thăm hỏi, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, đồng thời suy nghĩ thêm về các giải pháp để tham gia cùng Đảng, Chính phủ những biện pháp khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc khắc phục hậu quả cơn lũ năm 2000 và những năm sau một cách căn cơ hơn, hiệu quả.

Sau khi thôi chức Thủ tướng

Ngay sau cơn lũ lịch sử năm 2000, Bộ Nông nghiệp - PTNT tổ chức hội thảo về kiểm soát lũ ĐBSCL dưới sự chủ trì của Cố vấn BCH Trung ương Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Huy Ngọ, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cùng nhiều nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương ĐBSCL tham dự. Hội thảo nhận định cơn lũ năm 2000 về sớm, đạt mức lớn nhất trong vòng 76 năm, diễn biến phức tạp gây ngập lụt nghiêm trọng, đặc biệt ở ĐBSCL.

Đánh giá thực tế lúc ấy cho thấy nguyên nhân đưa đến số tử vong cao (đặc biệt là trẻ em) vì trên 95% nhà ở của cư dân bị ngập kéo dài, không có chỗ an toàn tránh trú. Một vấn đề nữa là suốt thời gian ngập lũ (trên 4 tháng), các hoạt động giáo dục, y tế, thương mại bị đình đốn, trẻ em không thể đến trường, dịch bệnh phát sinh, chợ búa không hoạt động… Trước thảm họa thiên nhiên này, các nhà khoa học thấy tiếc là Chỉ thị 815 và Quyết định 99 của Thủ tướng nếu được triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc hơn thì thiệt hại sẽ thấp hơn.

Sau lũ năm 2000, Chính phủ, các địa phương trong vùng huy động cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục hậu quả, nhằm sớm ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất. Ở tầm quốc gia, Chính phủ ban hành Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 6/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải ký về Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001 - 2005. Trong đó tiếp tục đề ra các giải pháp cùng cơ chế, chính sách về dân cư, nhà ở trên các cụm, tuyến dân cư vùng lũ. Đây được coi là giai đoạn 1. Giai đoạn 2 thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ; thời gian thực hiện 2 giai đoạn này là 15 năm, từ năm 2001 - 2015.

Kết quả, đến năm 2015, tại 7 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã hoàn thành 976 dự án, trong đó có 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn, đáp ứng cho hơn 191.000 hộ dân có chỗ ở ổn định. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng lũ còn tiếp tục sang giai đoạn 2015 - 2020 theo các quyết định của Thủ tướng có bổ sung các cơ chế, chính sách sát thực tế hơn, trong đó nhiều khu, tuyến dân cư có chợ, trường học, nhà trẻ, trạm y tế,… đáp ứng yêu cầu dân sinh, nên được người dân chọn định cư lâu dài.

Trong những năm làm báo, tôi đã nhiều lần đến tác nghiệp tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Bà con định cư tại đây ai ai cũng vui mừng, nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước cho họ được như hôm nay. Thực tế những nơi tôi đến thăm sau hơn 15 năm vào định cư, có những nhà ban đầu chỉ xây gạch, lợp tôn đơn giản nhưng nay đã nâng cấp lên nhà lầu khang trang, có nhà còn có cả ô tô,... Chứng kiến suốt quá trình thay đổi dân cư nông thôn quê hương mình trước kia và hiện nay, tôi trân trọng những thành quả đã làm được và rất cảm ơn Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn nghĩ đến dân, luôn lo cho dân, trong đó có tư duy và tầm nhìn lâu dài của bác Sáu Dân, người con ưu tú của Vĩnh Long!

Phần kết bài này, tôi xin mượn lời TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam khi viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Đối với ĐBSCL, không phải ngẫu nhiên mà có được các thành quả kinh tế - xã hội như ngày nay. Tôi vẫn nhớ trưa ngày 14/6/2008,  khi chuẩn bị tang lễ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Hội trường Thống nhất, tôi nhận được điện thoại của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Huy Ngọ từ Hà Nội. Anh Ngọ xúc động hệ thống lại cả quá trình hình thành tư duy và chỉ đạo quyết liệt của ông Võ Văn Kiệt từ ngọt hóa Gò Công đến bán đảo Cà Mau, chung sống với lũ, thoát lũ ra biển Tây, xây dựng cụm tuyến dân cư, và nhìn xa hơn là hệ thống công trình và phi công trình cho phòng chống thiên tai…

Anh Ngọ bảo người dân Việt Nam chịu ơn ông Võ Văn Kiệt nhiều lắm. Tôi được chứng kiến, được đọc nhiều bức thư của người dân, của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi ông Võ Văn Kiệt, trong đó có cả những người “nổi tiếng là khinh bạc”. Vì sao họ lại tin và trọng ông đến thế, ngay cả khi đã nghỉ hưu, không còn quyền lực! Phải chăng ngoài văn hóa ứng xử rất Người ở ông, người ta thấy đó là điểm tựa hay nói một cách nôm na đó là sự tin cậy, kính yêu của người dân dành riêng cho ông”.

Và chuyện về cuộc đời vì nước, vì dân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt- bác Sáu Dân chắc chắn là còn, sẽ còn nhiều điều hay, điều tốt để chúng ta học tập và soi rọi lại mình.

Theo thống kê, cơn lũ lịch sử năm 2000 đã cướp đi tính mạng của trên 400 người, trong đó phần lớn là trẻ em, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu dân ĐBSCL, với hơn 700.000 hộ bị ngập, trong đó trên 35.000 hộ đã phải di dời khẩn cấp, còn trên 25.000 hộ phải tiếp tục di dời; 500.000 người phải cứu trợ khẩn cấp, hơn 700.000 học sinh phải nghỉ học, nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng. Thiệt hại do lũ lụt gây ra là hàng ngàn tỷ đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG KHẢI