Tráng bánh tại Làng Bánh tráng Thuận Hưng.
Những câu chuyện về OCOP
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, Thường trực Hội đồng OCOP, cho biết: Để được công nhận là sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm được bình xét, đánh giá theo 10 tiêu chí thuộc 3 nhóm: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng), khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm), chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan; tính độc đáo; công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ; đảm bảo chất lượng sản phẩm; cơ hội thị trường toàn cầu).
Trong quá trình bình xét, đánh giá, các thành viên trong Hội đồng được nghe các chủ thể OCOP trình bày những câu chuyện về quá trình hình thành sản phẩm OCOP của mình. Ông Chương Văn Khanh, Chủ Cơ sở Chương Văn Khanh, phường Tân Lộc, chia sẻ: Nuôi và xuất khẩu cá tra là thế mạnh của quê hương tôi. Vào những năm 2008-2015, do kinh tế thế giới khủng hoảng làm xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, lượng cá tra tồn đọng rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, tôi nảy sinh ý định làm mắm từ con cá tra nhằm chia sẻ khó khăn cho người nuôi và kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nguyên liệu làm mắm cá tra được nuôi xuất khẩu theo quy trình VietGAP nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng lại mang hương vị đặc trưng riêng. Bên cạnh đó, nhờ chính quyền địa phương ủng hộ và hỗ trợ tôi hoàn thiện hồ sơ, quy trình cần thiết và tạo điều kiện cho tôi quảng bá, xúc tiến thương mại từ đó được đông đảo người trong và ngoài tỉnh ủng hộ và đặt hàng.
Sản phẩm bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa được Hội đồng đánh giá cao ở tính phát huy sức mạnh cộng đồng. Theo bà Hà Thị Sáu, Chủ Cơ sở sản xuất bánh tráng Hà Thị Sáu, phường Thuận Hưng, Làng nghề Bánh tráng Thuận Hưng đã tồn tại hàng trăm năm, gia đình bà cũng có nhiều thế hệ theo nghề này. Riêng với bà Sáu đặc biệt có duyên với làm bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa. “Công đoạn làm bánh tráng nhìn đơn giản vậy nhưng muốn đổ được cái bánh đều, dẻo, mịn phải học lâu lắm. Củi lửa cũng phải canh cho đều, rồi nhanh tay tráng đều, chỉ cần chậm tay là bánh sẽ bị dồn cục, không láng, tròn đều. Công đoạn phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Nếu muốn bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ đúng lúc”- bà Hà Thị Sáu nói. Những năm qua, nhờ tham gia trưng bày, trình diễn tại nhiều lễ hội, cuộc thi, đặc biệt là tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, thương hiệu Bánh tráng Cô Sáu ngày càng vang xa và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài thành phố biết đến.
Triển vọng tương lai
Hội đồng OCOP thống nhất 4 sản phẩm đủ điều kiện trở thành sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ, gồm: mắm cá tra (76/100 điểm, xếp loại 4 sao), rượu mận (73,5 điểm, xếp loại 4 sao), bánh tráng ngọt (57,4 điểm, xếp loại 3 sao) và bánh tráng dừa (56,8 điểm, xếp loại 3 sao). Sản phẩm nhãn Ido phải tiếp tục hoàn thiện khâu nhãn mác, tăng độ nhận diện, nét đặc trưng để phù hợp tiêu chí sản phẩm OCOP.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi được công nhận, các chủ thể OCOP phải tiếp tục hoàn thiện cả nội dung và hình thức sản phẩm của mình để đưa sản phẩm lên tầm cao hơn. Ông Chương Văn Khanh, Chủ Cơ sở Chương Văn Khanh, khẳng định: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, tôi tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì tiên tiến để sản phẩm ngày càng bắt mắt, thu hút hơn. Đồng thời, cập nhật, bổ sung thêm các giấy tờ, chứng nhận cần thiết để tăng tính nhận diện và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Còn bà Hà Thị Sáu, Chủ Cơ sở sản xuất bánh tráng Hà Thị Sáu, cho biết: Cơ sở của chúng tôi giờ đây không chỉ là lò bánh tráng truyền thống mà còn là địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách ghé tham quan, trải nghiệm. Hướng đi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn khi Cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP thành phố, các sản phẩm hiện tại vẫn còn được đánh giá một cách định tính. Đơn cử, đối với sản phẩm mắm cá tra mặc dù Hội đồng OCOP cấp huyện cho điểm tuyệt đối về chỉ tiêu sử dụng tạp chất, nhưng chưa có những chứng cứ, số liệu minh chứng cho việc này. Do đó, chủ thể OCOP phải cập nhật các thông tin để tăng tính thuyết phục khi đưa sản phẩm ra thị trường hoặc khi tham gia bình xét ở Hội đồng OCOP Trung ương. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, ngành Công thương sẽ có chiến lược hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua kênh thương mại điện tử, kết nối thị trường; đồng thời hỗ trợ đơn vị làm website, làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Để sản phẩm OCOP của thành phố vươn xa hơn nữa rất cần sự phối hợp giữa ngành chức năng và chủ thể OCOP trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng OCOP thành phố, yêu cầu, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, các sở ngành hữu quan, quận Thốt Nốt cần tiếp tục hỗ trợ chủ thể OCOP về mọi mặt để sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn phải thu hút về mẫu mã, nhãn mác. Chủ thể OCOP cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, cập nhật thêm các chứng nhận cần thiết; xây dựng và quảng bá thương hiệu thông qua các câu chuyện kể về OCOP để tạo sự khác biệt, nét đặc trưng của sản phẩm OCOP TP Cần Thơ.
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)