Lễ thỉnh sắc Thần hoàng đình Phú Khánh, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Nghĩa
Trao truyền văn hóa truyền thống
Với những giá trị to lớn mà di sản văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống nói riêng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được tiếp thu có chọn lọc một cách khoa học, sáng tạo, vận dụng một cách phù hợp vào tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đã góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống của tỉnh nhà. Cụ thể là việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ truyền thống dân gian tại các đình, chùa, đền, lăng, miếu (miễu)… của tỉnh đã từng bước trở thành nét đặc trưng độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể quê hương, đồng thời hòa nhập với xu thế phát triển nghi thức lễ hội truyền thống chung của cả nước.
So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Bến Tre là một trong những tỉnh bảo tồn và phát huy khá tốt lĩnh vực di sản văn hóa và nghi lễ truyền thống trong các dịp lễ hội tại các đình, chùa, đền, lăng, miếu.
Nhìn lại những năm đầu quê hương được giải phóng, đất nước được hòa bình, thống nhất, mặc dù khó khăn còn chồng chất nhưng người dân luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn và khôi phục lại những giá trị di sản văn hóa truyền thống ở những ngôi đình làng. Mặc dù chiến tranh đã tàn phá, bom đạn làm cháy rụi sắc phong, tượng thờ hoặc sập đổ hư hại hoàn toàn công trình, có nơi chỉ còn lại nền đất trống… nhưng với ý nghĩa và tầm quan trọng của những ngôi đình, chùa, đền, miếu đối với đời sống nhân dân, sự gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm đã khuyến khích người dân tự nguyện khôi phục lại. Dù có nơi đình không còn sắc phong, nhưng người dân vẫn giữ được phong tục thờ cúng long trọng.
Những ngày cúng đình, chùa, miễu, lăng đều diễn ra theo ngày cố định trong năm nên đã trở thành ngày lễ hội cộng đồng, tập hợp đông đảo người dân địa phương và các khu vực lân cận đến tham dự. Chương trình lễ cúng diễn ra từ 1 đến 3 ngày, gồm có phần lễ (theo phong tục của mỗi địa phương: rước sắc (đối với đình có sắc thần), nghinh ông (đối với lăng thờ cá Ông), nhạc lễ, diễn xướng hay tiến dâng phẩm vật lên các vị thần linh, tiền hiền, hậu hiền, những người có công khai hoang mở cõi, anh hùng, liệt sĩ…) và phần hội (hát bội, các trò chơi dân gian, thi mâm xôi, bonsai, trang trí mâm ngũ quả…).
Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Mặc dù phong tục, nghi thức thờ cúng mỗi địa phương có khác nhau, song tựu trung lại với mục đích, ý nghĩa là bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của cha ông được lưu truyền từ đời này sang đời khác giúp con người có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên và cố kết cộng đồng ngày càng bền chặt, hướng con người đến một giá trị cao đẹp, thánh thiện luôn có niềm tin, niềm hy vọng vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống vật chất và toại nguyện về đời sống tinh thần phong phú”.
Phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp
Ông Nguyễn Văn Nhanh (Bảy Nhanh), 76 tuổi là Kế hiền của đình Châu Hưng (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), tham gia Hương chức đình gần 30 năm cho biết: Mỗi năm đình Châu Hưng cúng hai lệ chính: Tháng 6 - Lễ Hạ điền; Tháng 12 - Lễ Thượng điền, ngoài ra, ngày 18 tháng Giêng còn có lễ cúng Tiên sư. Đình Châu Hưng còn lưu giữ khá đầy đủ các giá trị di sản văn hóa tinh thần, thể hiện qua sơ đồ bố trí thờ tự, các đồ thờ cúng, nghi lễ truyền thống nhân các lệ cúng đình mà nhiều thế hệ hương chức và người dân nơi đây gìn giữ đến hôm nay. Theo ông Bảy Nhanh, bảo tồn giá trị di sản văn hóa xuất phát từ người dân địa phương và do người dân giữ gìn và quyết định sự tồn tại và phát triển, vì giá trị di sản văn hóa góp phần to lớn vào việc phát huy các giá trị tốt đẹp trong đời sống của con người và cộng đồng dân cư.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung, phong tục thờ cúng tại các đình, chùa, lăng, đền, miếu tại tỉnh nhà nói riêng, cần được sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự chung tay của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa truyền thống, sự định hướng tổ chức lễ hội của các cơ quan quản lý văn hóa. Chương trình, nghi thức cúng tế phải trang trọng, tôn nghiêm, văn minh, tiến bộ. Không lợi dụng việc cúng tế để tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng để vận động tài trợ, kêu gọi đóng góp… làm mất đi ý nghĩa, nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống cần kết hợp hài hòa, có chọn lọc giữa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc với tinh hoa văn hóa tiến bộ, hiện đại của nhân loại; khuyến khích cộng đồng dân cư tích cực, chủ động sáng tạo văn hóa mới lành mạnh, văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện cụ thể của cộng đồng dân cư.
Theo Báo Đồng Khởi