Bến Tre: Bình Đại qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội

24/04/2023 - 08:55

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu, qua nửa nhiệm kỳ triển khai, thực hiện có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt cao, các chỉ tiêu còn lại đạt ở mức khá và trung bình. Về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy như phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao, chuyển đổi số và xây dựng huyện nông thôn mới… cũng đạt được những kết quả ban đầu, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh…

Toàn huyện Bình Đại có 514 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho 2.448 lao động. Ảnh: T. Lập

Kinh tế - xã hội phát triển

Việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XIII của Đảng và NQĐH Đảng các cấp được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và xác định được trọng tâm, trọng điểm. Huyện ủy đã ban hành 4 kế hoạch cụ thể hóa NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XII và chỉ đạo cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình triển khai, thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, Thường trực Huyện ủy luôn quan tâm công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy trực thuộc như việc rà soát, bổ sung chỉ tiêu, nhiệm vụ có tính chất liên thông với NQĐH cấp trên để quá trình thực hiện được đồng bộ, đạt kết quả tốt; tổ chức làm việc định kỳ để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Xác định phương châm hành động nhiệm kỳ là “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Phát triển”, theo từng năm, Huyện ủy xây dựng,  ban hành nghị quyết và xác định chủ đề năm thực hiện nhiệm vụ đề ra.

Trên lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao, bởi huyện Bình Đại là một trong những huyện có tiềm năng và lợi thế với diện tích nuôi tôm biển hiện có hơn 18 ngàn ha. Là huyện trọng điểm của tỉnh triển khai thực hiện diện tích nuôi tôm công nghệ mới. Mô hình nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh ở một số vùng có điều kiện thuận lợi, với diện tích 1.447ha (đạt 72,35% chỉ tiêu nghị quyết), đây thật sự là mô hình nuôi an toàn và đạt hiệu quả cao hơn phương pháp nuôi truyền thống. Địa phương đã xây dựng chuỗi giá trị tôm, thông qua việc xây dựng Hợp tác xã Thủy sản Bình Thắng, hợp tác xã nuôi tôm sinh thái ở Thạnh Phước. Bên cạnh đó, khai thác thủy sản tiếp tục phát triển với đoàn tàu trên 1.160 chiếc, 100% tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chấp hành tốt các quy định về chống khai thác bất hợp pháp theo khuyến nghị của EU, không có tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Chế biến thủy sản, toàn huyện có 1 nhà máy chế biến và 6 công ty sơ chế thủy sản.

Hiện huyện có 9 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Việc sắp xếp sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện thời tiết, phát huy tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng luôn được quan tâm, xây dựng diện tích dừa hữu cơ hơn 2.810ha, trong đó, đạt chứng nhận hơn 1.341ha và đang thực hiện chuyển đổi hơn 1.469ha. Sản xuất rau màu phát triển theo hướng an toàn, lợi nhuận gấp 3 - 5 lần so với cây lúa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển mới 115 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng tổng số toàn huyện có 514 cơ sở, giải quyết việc làm cho 2.448 lao động với các ngành nghề chủ yếu như thu mua và sơ chế thủy sản, cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, bột cá, chế biến cá khô, may mặc…

Về phát triển năng lượng sạch, đã hoàn thành 2 nhà máy với công suất 158MW, đóng điện đưa vào vận hành hai nhà máy điện gió với công suất 34,2MW, toàn huyện hiện có 88 hộ dân và 43 tổ chức, hộ kinh doanh lắp đặt điện năng lượng mặt trời dùng cho sinh hoạt, kinh doanh. Toàn huyện có 5.016 hộ phát triển thương mại, dịch vụ, tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 11.575 lao động. Riêng về du lịch, phát triển được 7 điểm du lịch, hàng năm, có trên 120 ngàn lượt khách tham quan, doanh thu từ du lịch đạt trên 20% tổng thu ngân sách huyện.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, toàn huyện hiện có 23 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 36,50% (tăng 5 trường so với đầu nhiệm kỳ), tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 98%, xây dựng và bàn giao 446 nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác chuyển đổi số được tập trung triển khai và đạt kết quả bước đầu, thực hiện ứng dụng công nghệ số trong giải quyết thủ tục hành chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp… tạo được sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Tập trung triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4, giảm đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Hiện tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn 3,23%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng/năm. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đạt chuẩn huyện nông thôn mới…

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Trong thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại, qua nhận định, đánh giá và dự báo tình hình phát triển và lợi thế, tiềm năng của địa phương, huyện đưa ra giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới: Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, thường xuyên định hướng nội dung sinh hoạt tư tưởng tại chi bộ; thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách nghiêm túc, hiệu quả. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện đạo đức, lối sống. Tập trung củng cố, nâng cao sức chiến đấu và năng lực thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng có mức hoàn thành nhiệm vụ chưa cao; bổ sung kịp thời đối với những đơn vị thiếu cán bộ kéo dài.

Hàng năm, Bình Đại đón trên 120 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch. Ảnh: H.Trung

Hàng năm, Bình Đại đón trên 120 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch. Ảnh: H.Trung

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ, cấp ủy huyện theo dõi, hỗ trợ xã, ấp trong việc nắm bắt thông tin và hỗ trợ cho cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật từ huyện đến cơ sở, chú trọng giám sát thường xuyên góp phần ngăn chặn đảng viên vi phạm. Đổi mới công tác dân vận đáp ứng yêu cầu phát triển, tập trung tuyên truyền nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, nhất là sự đồng thuận triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về quản lý tài nguyên và trật tự xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện nghiêm chế độ công vụ, công chức, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí cải cách hành chính; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và đề án vị trí việc làm; cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao vai trò, chức trách, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác đối với từng cán bộ, công chức, viên chức.

Về phát triển kinh tế, tiếp tục tổ chức, sắp xếp sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ; quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển đô thị; tiếp tục thực hiện chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” đi vào thực chất; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường; tăng cường quản lý thu, chi ngân sách đạt kế hoạch bảo đảm hoạt động; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết  bị trường, lớp đạt chuẩn nông thôn mới và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thể dục, thể thao; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tập trung công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị; giải quyết nhanh các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra các vụ, việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ…

Thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ đủ năng lực và đạo đức, có tính chuyên nghiệp hướng tới phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế biển. Phát triển hạ tầng đồng bộ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quản lý, khai thác nguồn tài nguyên đất đai, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Chú trọng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả. Xây dựng con người Bình Đại phát triển toàn diện, văn minh, thân thiện và mến khách, gia đình hạnh phúc, tiến bộ gắn với phát huy văn hóa, con người vùng biển. Giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo lập môi trường xã hội ổn định để thu hút đầu tư, phát triển du lịch đều đạt những kết quả quan trọng.

3 nhiệm vụ đột phá: Phát triển kinh tế thủy sản; về xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo; về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng thì đây là 3 nhiệm vụ được tập trung rất quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Xác định đây là động lực quan trọng để tạo sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của huyện nhà trong thời gian tới.

Theo Báo Đồng Khởi