Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Tác động tích cực
Hiện toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX, 198 HTX hoạt động trên 7 lĩnh vực như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện 10 HTX; nông nghiệp 148 HTX; thủy sản 11 HTX; quỹ tín dụng nhân dân 8 quỹ; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 10 HTX; giao thông - vận tải 7 HTX; tài nguyên - môi trường 5 HTX. Trong đó, HTX đang hoạt động và chuẩn bị hoạt động là 175 HTX (8 HTX mới thành lập 6 tháng đầu năm 2024). Tổng doanh thu ước đạt trên 194,3 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Bình quân đạt 984 triệu đồng/HTX.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, các HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động ổn định, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Một số HTX đã tạo được việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, nhất là chuỗi dừa, thành viên và NLĐ được tham gia học tập để nâng cao kiến thức sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến tay nghề sơ chế, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, giúp cho các sản phẩm của thành viên nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng được giá trị.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện có 148 HTX, với tổng số là 18.542 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 63.816,6 triệu đồng, sử dụng 1.394 lao động thường xuyên và khoảng 6.100 lao động thời vụ.
Các HTX đang tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. Số lượng HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp là 78 HTX. Một số HTX mới thành lập đã có sự gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động của HTX, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương phấn khởi cho biết, trong các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, hiện có 78 HTX thì có 28 HTX có doanh thu từ 5 tỷ đồng trở lên. Có 21 HTX phát triển sản phẩm OCOP rất tốt. Các HTX thủy sản nuôi nghêu có doanh thu từ 5 - 25 tỷ đồng/năm/HTX.
Một số mô hình hoạt động hiệu quả
Một số mô hình hoạt động hiệu quả đang nổi lên theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như HTX Nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) và HTX Nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú (Châu Thành).
Hiện HTX Nông nghiệp Định Thủy có 142 thành viên với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng và vốn huy động kinh doanh 1,795 tỷ đồng. HTX tập trung sản xuất dừa hữu cơ, với tổng diện tích vườn dừa hữu cơ 244,6ha. HTX đã ký kết hợp đồng cung cấp cơm dừa tươi với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và khoan nước dừa, giao cơm dừa tươi cho Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu. HTX hợp tác với Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt cung cấp phân bón hữu cơ cho thành viên và hộ dân trong xã. Bên cạnh các dịch vụ, HTX còn đầu tư dây chuyền chạy chỉ xơ dừa và mụn dừa để tạo việc làm cho thành viên. Doanh thu năm 2023 của HTX đạt 14,578 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12 tỷ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 110 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX Nông nghiệp Định Thủy là 1 trong 3 HTX được chọn để phát triển gắn với du lịch cộng đồng.
HTX Nông nghiệp Tân Phú hiện có 253 thành viên, với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng. Đây là HTX kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuỗi giá trị cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm). Hoạt động chính của HTX gồm: cung cấp dịch vụ đầu vào, giới thiệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra, cùng liên kết hướng dẫn các dịch vụ trồng trọt. HTX hoạt động không vì lợi nhuận mà chủ yếu hỗ trợ thành viên làm kinh tế. Sản phẩm sầu riêng của HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao.
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi
Thời gian qua, tỉnh không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và các phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế thành phố tổ chức 8 lớp tập huấn bồi dưỡng về chuỗi giá trị nông sản và liên kết trong chuỗi giá trị cho các HTX và THT nông nghiệp. Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức 9 lớp đào tạo, tập huấn cho bộ máy quản lý, điều hành, giám sát kiểm tra và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ HTX trong năm 2024.
Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở NN&PTNT đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hữu cơ; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và công nghệ ủ phân hữu cơ. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp tài liệu, thông tin khoa học và công nghệ định kỳ 1 quyển/tháng miễn phí cho 140 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đề tài “Phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX trên địa bàn tỉnh” đã được triển khai, nhằm tăng cường năng lực phát triển kinh tế tập thể và thực hiện chương trình OCOP cho các HTX của tỉnh. Mục tiêu là xây dựng mô hình mẫu phát triển kinh tế tập thể HTX, xây dựng mới 20 sản phẩm OCOP cho 20 HTX, nâng cấp 7 sản phẩm OCOP đã có và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 24 HTX. Đề tài này, gồm: Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS trên địa bàn huyện Ba Tri.
Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 3 HTX ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, chương trình này cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 20 HTX có sản phẩm tiềm năng xây dựng OCOP và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 4 HTX đã có sản phẩm OCOP. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ 2 HTX thực hiện hồ sơ đăng ký bình chọn nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024.
Tổng doanh số cho vay HTX trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối tháng 6-2024 ước đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm, với 1 HTX còn dư nợ (HTX Xây lắp điện Hưng Phú). Kết quả cho vay theo mô hình liên kết hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với dư nợ đến cuối tháng 6-2024, ước đạt 1.650 tỷ đồng; trong đó, có 11 HTX tham gia chuỗi. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay được thành viên HTX.
“Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung hỗ trợ HTX chuyển đổi số, kết nối giao thương, đất đai, vốn… Đối với kế hoạch xây dựng HTX điểm của tỉnh, của huyện, HTX nông nghiệp toàn diện, HTX do phụ nữ làm chủ trên địa bàn, đề nghị các địa phương, các ngành cố gắng tập trung hỗ trợ các HTX đạt các tiêu chí mới xem xét công nhận” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)