Bến Tre: Cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp tài sản

01/11/2023 - 09:11

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp tài sản, giết người cướp tài sản của những người hành nghề chạy “xe ôm” đã gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận. Tại tỉnh đã xảy ra một số vụ cướp tương tự, mặc dù chưa gây nguy hiểm đến tính mạng của bị hại, nhưng đã tạo ra sự bất an đối với những người mưu sinh bằng nghề này. Do đó, việc nhận biết các đặc điểm của loại tội phạm là điều rất quan trọng.

Thực nghiệm hiện trường vụ cướp tài sản tại cầu Rạch Miễu, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng cướp tài sản nhắm vào những người hành nghề chạy xe ôm chở khách là rất manh động và liều lĩnh. Bọn chúng thường lợi dụng đêm tối, chấp nhận trả cước phí cao nhằm dẫn dụ bị hại. Trên đường đi, bọn chúng thường xuyên thay đổi lộ trình so với quãng đường đã thỏa thuận ban đầu và đi đến những tuyến đường vắng vẻ, ít người qua lại. Khi nhận thấy có điều kiện thuận lợi, bọn chúng dùng hung khí bất ngờ tấn công nạn nhân từ phía sau để cướp tài sản, chính điều này làm cho khả năng chống trả của bị hại gần như là không thể.

Trường hợp bị cướp của ông Vương Văn Long, ngụ xã Quới Thành (Châu Thành) là một lời cảnh báo. Hành nghề chạy xe ôm chở khách được hơn 10 năm, mặc dù đã có sự cảnh giác nhưng ông Long không ngờ có ngày mình lại là “con mồi” kẻ cướp ngắm đến. Ông Long kể lại: “Vào tối ngày 8-8-2022, tôi đang đón khách tại vòng xoay Phú Khương thì có một nam thanh niên lạ mặt, đeo khẩu trang thuê chở từ TP. Bến Tre về xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Khi đến khu vực ấp Phong Quới, xã Phong Nẫm, người này liên tục yêu cầu rẽ xe vào các con hẻm nhỏ, đến khi vắng người, y liền dùng dây vải siết cổ làm tôi bất tỉnh, sau đó cướp chiếc xe mô tô, tiền, điện thoại rồi tẩu thoát. Tôi may mắn được mọi người kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng…”.

Qua quá trình khẩn trương, tích cực điều tra, Công an huyện Giồng Trôm đã làm rõ được thủ phạm trong vụ án trên, đó là Nguyễn Hữu Khánh, sinh năm 1994, ngụ xã Long Định (Bình Đại). Khánh khai nhận do thiếu nợ nhiều người nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Chiếc xe mô tô cướp được của nạn nhân, Khánh chạy đến TP. Hồ Chí Minh cầm được 8,5 triệu đồng rồi tiêu xài hết.

Anh Trần Chí Thảo ngụ tỉnh Đồng Tháp - tài xế xe mô tô công nghệ cũng vừa trở thành nạn nhân của bọn cướp. Trưa ngày 9-10-2023, anh Thảo được một nam thanh niên thuê chở từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Bến Tre với tiền công hậu hĩnh, điểm đến là khu vực vòng xoay Tân Thành, thuộc xã Sơn Đông, TP. Bến Tre. Nghĩ được trả giá cao, địa điểm lại rõ ràng, đông người nên anh Thảo đồng ý. Tuy nhiên, khi cả hai đến khu vực cầu Rạch Miễu, đoạn qua xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, người này yêu cầu anh chạy xe vào đường dẫn hai bên cầu, rồi bất ngờ dùng dây sạt điện thoại từ phía sau siết cổ anh Thảo làm anh té ngã, y cướp 1 xe mô tô, 2 điện thoại di động cùng số tiền trên 10 triệu đồng.

Nhận được tin báo của bị hại, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Châu Thành phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết quả đến chiều ngày 10-10-2023, Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Châu Thành cùng các đơn vị liên quan đã điều tra làm rõ, bắt được thủ phạm gây án, đó là Trần Minh Chương, ngụ xã Sơn Đông, TP. Bến Tre khi tên này đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ trên địa bàn Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại cơ quan Công an, y đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Qua 2 vụ cướp trên cho thấy, các loại tội phạm nói chung, tội phạm cướp tài sản tài xế chạy xe ôm nói riêng hoạt động rất manh động và liều lĩnh. Để chủ động phòng ngừa tội phạm hoạt động theo phương thức, thủ đoạn trên, Thiếu tá Nguyễn Quốc Thái - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo: “Khi chở khách, các tài xế cần quan sát, chú ý các biểu hiện của hành khách. Bởi vì hầu hết các đối tượng có hành vi cướp tài sản đều có nhiều biểu hiện bất thường trong suốt chuyến đi. Chúng thường chỉ định vị trí đến là những địa điểm xa khu dân cư, vắng người hay giao thông không thuận tiện; thay đổi địa điểm liên tục; yêu cầu tài xế dừng lại để đi vệ sinh ở những quãng đường vắng, ít người qua lại; hay mang khẩu trang, đội mũ để che khuất mặt… Do đó, để an toàn các tài xế chỉ nên chở khách vào những giờ còn đông người và phương tiện lưu hành trên đường. Trường hợp bắt buộc phải chạy khuya thì chỉ nên chở những khách quen, thực sự tin tưởng; hạn chế chạy vào những cung đường vắng. Ngoài ra, thấy đối tượng có biểu hiện khả nghi, các tài xế cần tạo tình huống để tự thoát thân hoặc di chuyển đến những nơi đông dân cư, hay đồn công an, dân phòng và nhờ sự giúp đỡ…”.

Theo QUANG DUY (Báo Đồng Khởi)