Bến Tre: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023

30/01/2023 - 15:23

Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng trồng cây phi lao 112,79ha (108ha đã thành rừng và 4,79ha chưa thành rừng); rừng hỗn giao 49,78ha (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri). Trong đó, diện tích rừng có khả năng xảy ra cháy 157,78ha (rừng trồng phi lao đã thành rừng và rừng hỗn giao). Chủ rừng phối hợp cùng địa phương cũng như các đơn vị liên quan và người dân sống ven rừng luôn chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), góp phần bảo vệ tài sản nhà nước và người dân sống ven rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng phi lao, Tiểu khu 4 (Cồn Tàu), xã Thừa Đức, huyện Bình Đại diễn tập báo cáo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023.

Phát huy lực lượng tại chỗ

Tại huyện Ba Tri, Phân khu Phòng hộ liên huyện Ba Tri - Bình Đại được giao quản lý diện tích rừng trồng phi lao 23,58ha (18,79ha đã thành rừng và 4,79ha chưa thành rừng). Xã An Thủy có 8,91ha rừng được trồng từ năm 2006 - 2015. Đây là đai rừng phòng hộ ven biển nằm kề với khu sản xuất nông, thủy sản của người dân. Xã Bảo Thuận có 9,56ha rừng (6,78ha đã thành rừng và 2,78ha chưa thành rừng), được trồng từ năm 2007 - 2018, tại khu vực cồn cát ven biển (Cồn Ngoài). Xã Tân Thủy có 5,11ha rừng (3,1ha đã thành rừng và 2,01ha chưa thành rừng) được trồng từ năm 2018, nằm trên khu vực giáp ranh sân nghêu Hợp tác xã Thủy sản Tân Thủy và Bảo Thuận. Rừng ở đây cách xa khu dân cư cũng như đất sản xuất của người dân nên ít bị tác động bởi yếu tố con người. UBND huyện Ba Tri, cụ thể là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện quản lý rừng hỗn giao trên địa bàn xã Tân Mỹ với diện tích 49,78ha.

Tại huyện Bình Đại, Phân khu Phòng hộ liên huyện Ba Tri - Bình Đại được giao quản lý diện tích rừng trồng phi lao 54,31ha. Rừng phi lao Cồn Chày Mười, Tiểu khu 6, xã Thới Thuận với tổng diện tích 26,06ha, chiều dài 3,1km dọc theo bờ biển, chiều rộng từ 10 - 70m, trồng từ năm 2003 - 2016. Rừng phi lao Tiểu khu 4, khu vực Cồn Tàu, xã Thừa Đức có tổng diện tích 13,64ha, chiều dài 1,85km dọc theo bờ biển, chiều rộng từ 60 - 120m, trồng từ năm 2009 - 2015. Rừng phi lao Tiểu khu 5, khu vực Cồn Nghêu, xã Thừa Đức có tổng diện tích 15,51ha, chiều dài 1,3km dọc theo bờ biển, chiều rộng từ 50 - 140m, trồng từ năm 2009 - 2015. 

Huyện Thạnh Phú có tổng diện tích rừng trồng phi lao 34,9ha. Tại xã An Điền, diện tích rừng đặc dụng 5,51ha do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Phân khu Thạnh Phú được giao quản lý rừng ở xã Thạnh Hải 11,8ha (phòng hộ) và xã Thạnh Phong 17,59ha (15,67ha phòng hộ cùng 1,92ha đặc dụng). Rừng phi lao tại Tiểu khu 19 (Cồn Bửng), xã Thạnh Hải được trồng từ 2003 - 2009 và rừng phi lao tại Tiểu khu 19 (Cồn Ngô Năm), xã Thạnh Phong trồng từ 2006 - 2021.

“Nhà tôi sống ven khu rừng trồng phi lao tại Tiểu khu 19, xã Thạnh Hải nên được Nhà nước khoán bảo vệ hơn 6.000m2 rừng. Tôi cùng mọi người thường xuyên đi kiểm tra rừng nhằm phát giác nguy cơ hỏa hoạn để kịp thời trình báo về cấp trên cũng như tập hợp lực lượng xử lý chữa cháy nhanh chóng và hiệu quả”, ông Lê Minh Dũng, 56 tuổi, ở ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú tâm sự.

“Đội PCCC rừng phi lao trên địa bàn xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú có 12 thành viên. Hàng năm, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ cùng địa phương trong công tác PCCC. Phát huy tối đa về lực lượng người dân sống cạnh rừng là nhân lực bảo vệ rừng tại chỗ, tận dụng trang thiết bị PCCC của người dân khi xảy ra trường hợp cấp thiết”, ông Trịnh Văn Hùng - Đội phó Đội PCCC khu rừng trồng phi lao Tiểu khu 19, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) bộc bạch.

Triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy

Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Nguyễn Thị Bình Minh chia sẻ: Mỗi phân khu (chủ rừng địa phương) triển khai quản lý phụ thuộc vào điều kiện tương hợp của từng địa phương. Thực hiện phương án PCCC rừng mùa khô năm 2022-2023, thời gian qua, Ban phối hợp với sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cùng chính quyền và người dân địa phương triển khai nhiều lớp tập huấn cũng như tuyên truyền về việc bảo vệ rừng. Cụ thể là công tác PCCC vào mùa khô; hoàn thiện những công trình trữ nước, góp phần triển khai hiệu quả phương án PCCC khi có trường hợp cấp thiết xảy ra.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Thế Nghĩa cho biết: Bến Tre là địa phương có diện tích rừng không lớn so với các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long. Rừng phi lao của tỉnh được trồng trên những giồng cát ven biển mang mục đích phòng hộ là chắn gió, chắn cát công trình phía bên trong của người dân. Đồng thời, rừng còn là tiềm năng tạo nên khung cảnh du lịch sinh thái vùng biển cũng như định hướng phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh. Vì vậy, công tác PCCC rừng mùa khô của chủ rừng (đặc biệt là rừng phi lao), UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cùng các đơn vị liên quan phải quan tâm đặc biệt cũng như có biện pháp, phương án thật cụ thể.

Qua kiểm tra thực tế về công tác PCCC mùa khô 2022-2023 của chủ rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Thế Nghĩa nhận định: Sự quan tâm lãnh đạo của các cấp và chủ rừng triển khai những hoạt động hết sức tích cực. Chủ rừng cơ bản đảm bảo công tác PCCC rừng mùa khô 2022-2023; tích cực phối hợp cùng địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch PCCC rừng rất sớm để triển khai thực hiện.

Theo Báo Đồng Khởi