Bến Tre: Cô gái 9x khởi nghiệp trồng nấm tại nhà

03/11/2023 - 10:13

Tốt nghiệp THPT, cô gái duyên dáng Bến Tre “9x” Mai Thị Ánh Xuân (xã An Khánh, huyện Châu Thành) khởi nghiệp tại nhà, với niềm đam mê trồng nấm, cho thu nhập trung bình cao gấp 3 lần so với làm nhân viên tại công ty.

A A

Mai Thị Ánh Xuân thu hoạch nấm chân dài.

Ánh Xuân cho biết, vì một số lý do riêng nên chị không theo học vào một trường đại học nào đó như nhiều bạn bè của mình mà quyết định xin vào làm việc tại một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành. Lúc này, chị cảm thấy công việc mà bản thân lựa chọn khá thuận lợi vì vừa được xin vào làm việc ngay để có thu nhập, phụ giúp gia đình, vừa được làm ở một công ty gần nhà.

Qua nhiều lần được tìm hiểu công việc trồng nấm từ bạn bè, các chủ trại nấm trên mạng xã hội, chị cảm thấy yêu thích và cho rằng khá phù hợp với bản thân cũng như với phụ nữ nông thôn. Vậy là, sau 10 năm làm việc tại công ty, với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, Xuân đã mạnh dạn rời bỏ việc làm tại công ty để tập trung phát triển nghề trồng nấm tại nhà.

Ánh Xuân kể: “Nắm bắt được nhu cầu phổ biến của người tiêu dùng ngày nay là chuộng dùng các loại nấm dinh dưỡng để chế biến trong những bữa ăn, đám tiệc…, cùng với sở thích của cá nhân nên tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng nấm từ cuối năm 2017. Ban đầu, tôi chỉ trồng nấm thông dụng là bào ngư. Một, hai năm sau có kinh nghiệm, tôi tiếp tục thử trồng nấm mối. Đến năm 2021, tôi chính thức nghỉ việc tại công ty để tập trung cho công việc tại nhà. Hiện nay, trại nấm trồng hơn 10 loại nấm khác nhau. Trong đó, có những giống mới được khách hàng ưa chuộng như: hồng ngọc, hoàng kim, sò Thái, hoàng đế, chân dài, mối Thái, linh chi Đài Loan…”.

Để có bộ sưu tập đa dạng giống nấm cho trang trại, chị Ánh Xuân mạnh dạng tìm hiểu và sẵn sàng thử nghiệm ươm trồng các loại nấm mới như: hoàng kim, hồng ngọc… Hầu hết các loại nấm có xuất xứ từ nước ngoài và có giống đã được phân lập, phát triển tại Việt Nam.

Điều đặc biệt ở cô gái Bến Tre duyên dáng này là không chỉ bán sỉ, bán lẻ đơn thuần mà chị còn gây sự chú ý cho khách hàng bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm về nấm để phục vụ theo nhu cầu của khách như: thiết kế, trang trí các mẫu hộp nấm đủ loại, đủ màu sắc và phối kết hợp các loại gia vị cần thiết để khách tiện dụng hơn. Hoặc thiết kế bó hoa nấm tinh tế, bắt mắt, với nhiều sắc màu như trắng, hồng, vàng, xám… để dùng làm quà tặng sinh nhật, quà 8-3, quà 20-10… Người được tặng hoa sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất ngờ, mới lạ của bó hoa nấm có thể tận dụng dùng chế biến nhiều món ăn đầy bổ dưỡng cho gia đình một cách thiết thực, với thời gian bảo quản từ 3 - 7 ngày. Hoặc chậu bonsai linh chi đỏ là sản phẩm được ưa chuộng mua để làm quà tặng, trang trí khá mới lạ và hấp dẫn trong những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Mô hình khởi nghiệp với hoa nấm của chị Ánh Xuân đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh năm 2023.

Mô hình khởi nghiệp với hoa nấm của chị Ánh Xuân đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh năm 2023.

Chị Ánh Xuân chia sẻ kinh nghiệm, mỗi loại nấm có cách bảo quản riêng như: nấm mối, chân dài cần bao bọc bằng lá chuối sẽ để được lâu hơn nhưng nếu cho vào túi xốp thì khoảng 2 ngày là nấm xuống màu. Hay với mấm hương, nếu được gói trong giấy chống thấm dầu cũng sẽ được bảo quản lâu hơn so với bình thường.

Bên cạnh đó, điều kiện cần thiết để sản phẩm nấm ra được thị trường là phải sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Nắm bắt được yêu cầu này, trang trại đã mạnh dạn đầu tư xây dựng tiêu chuẩn VietGAP, năm 2021, do Công ty TNHH Chứng nhận và Giám định ICI thực hiện. Không chỉ sản xuất và kinh doanh các loại nấm của trang trại nhà trồng, chị còn liên kết với các trại nấm sản xuất bằng nhà lạnh để cung cấp thêm khoảng 10 giống nấm ra thị trường.

Với điều kiện khởi nghiệp ban đầu hạn chế, vốn tự có, chị Ánh Xuân cho biết chỉ đầu tư nhà nấm ngay trong vườn cây trái của gia đình và dựng nhà bằng cây nhà lá vườn. Chi phí chủ yếu đầu tư vào việc mua phôi nấm. Từ một, hai nhà ban đầu, đến nay, Trang trại nấm Xuân Mai của chị Ánh Xuân đã có đến 6 nhà nấm, mỗi nhà có diện tích khoảng 60 - 70m2, xen lẫn dưới những tán cây trái trong vườn, vừa tận dụng được không gian đất vườn, vừa tạo bóng mát, độ ẩm thường xuyên cho nấm. Khó khăn của việc trồng nấm là sợ thiếu nước ngọt vào mùa hạn mặn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chị đã đầu tư các bồn chứa nước mưa. Theo cách này, chị vừa giảm được chi phí sử dụng nước máy trong những ngày thường, vừa là giải pháp đảm bảo ổn định nguồn nước tưới ẩm cho nấm phát triển vào mùa nước mặn, khô hạn.

Chị Ánh Xuân cho biết thêm, hiện nay chị đã tạo được nhóm sở thích trồng nấm cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn trong và ngoài tỉnh, với hơn 200 thành viên. Đây là nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, buôn bán và hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất. Với thu nhập đều đặn từ sản xuất, tiêu thụ 20 loại nấm (của trang trại hơn 10 loại và 10 loại liên kết tiêu thụ), bán phôi nấm, chị Xuân thu lãi bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Để tiếp tục phát triển trang trại, chị có kế hoạch đăng ký xây dựng tiêu chuẩn OCOP cho sản phẩm và đầu tư thêm nhà lạnh để sản xuất thêm các loại nấm phù hợp trồng trong nhà lạnh như kim châm, đùi gà, nấm mối…

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)