Sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong.
Đón bắt cơ hội
Năm 2019, Bến Tre là tỉnh tiên phong trong chuỗi sự kiện “Làng nghề đặc sản online” thuộc Dự án “Phát triển TMĐT bền vững” do VECOM khởi xướng, đồng hành với các doanh nghiệp (DN) trong hệ sinh thái TMĐT như Lazada Việt Nam, Công ty cổ phần Sapo... Với mục tiêu hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ứng dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh.
Có 16 DN, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia bán hàng trên lazada.vn. Sau sự kiện này, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với VECOM và các DN trong hệ sinh thái TMĐT để thúc đẩy cộng đồng DN, DN khởi nghiệp trong tỉnh tham gia. Nổi bật là DN ngành dừa đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường TMĐT trong và ngoài nước.
“Bến Tre là địa phương đầu tiên áp dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh sản phẩm từ dừa, những khó khăn gặp phải và kết quả chưa như kỳ vọng là điều có thể tiên đoán từ trước”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam đánh giá.
Chỉ riêng trong quý I-2020, Sở Công Thương đã tiến hành lập kế hoạch hỗ trợ xây dựng 27 website cho hợp tác xã, tổ hợp tác, DN, cơ sở sản xuất trong năm 2020. Hiện Sở Công Thương đã tổng hợp và chọn ra được 27 đơn vị phù hợp; tiếp theo sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu, chọn nhà thầu thực hiện thiết kế, xây dựng các website cho đơn vị được chọn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh bán hàng trực tuyến lại chiếm ưu thế, giúp DN năng động hơn trong tiếp cận đối tác, khách hàng, giữ các liên kết tốt hơn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH Dừa Cười, Công ty cổ phần AnFoods, Công ty TNHH TM&DV Đại Kim Phúc… là những điển hình về chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang TMĐT phát huy hiệu quả.
Tập trung phát triển TMĐT
Không chỉ trong mùa dịch Covid-19, TMĐT được các chuyên gia cũng như cộng đồng DN khẳng định là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định việc thay đổi phương thức kinh doanh sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đề ra một số giải pháp hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh phát triển TMĐT trong 6 tháng cuối năm 2020.
Các doanh nghiệp chuyển đổi sang thương mại điện tử để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19.
Theo đó, sở tiếp tục phối hợp cùng VECOM và Trung tâm Phát triển kinh doanh online thực hiện chương trình “Phát triển TMĐT bền vững tỉnh Bến Tre 2020”. Qua đó, nhằm hỗ trợ cho tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh và DN trên địa bàn tỉnh mở rộng bán hàng trực tuyến, nhằm giảm bớt khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai Đề án “Xây dựng nhãn hiệu trực tuyến cho những sản phẩm chủ lực của tỉnh” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt sẽ được thực hiện và hoàn thành trong năm 2020.
Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, để tự bảo vệ mình trong mua sắm, với chủ đề năm 2020 “Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT”. Phối hợp với Lazada triển khai giai đoạn lan tỏa, mời tất cả các DN Bến Tre có sản phẩm phù hợp tham gia bán hàng trên Lazada. Hỗ trợ hướng dẫn các DN nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm, bao bì, tem nhãn tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia bán hàng trực tuyến.
Sau khi dịch Covid-19 kết thúc, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0, IM Group... tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT. Sở cũng sẽ liên lạc các sàn TMĐT trong và ngoài nước để phối hợp hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu trực tuyến, bán hàng trên sàn TMĐT.
(Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình)
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)