Bến Tre: Em Lữ Trường An chủ nhân của máy chuốt cọng dừa

13/03/2023 - 16:35

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Lữ Trường An - học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú đã đạt nhiều giải cao ở các cuộc thi với sản phẩm máy chuốt cọng dừa như: Năm 2021 đạt giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; năm 2022 đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh; đạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Ngoài ra, còn đạt giải nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng - dự án khởi nghiệp cấp huyện và giải nhì cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng - dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2022.

A A

Em Lữ Trường An cùng thầy Phạm Văn Hiểu bên máy chuốt cọng dừa.

Trường An cho biết, sắp tới em sẽ tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện với sản phẩm máy phun thuốc và cho tôm ăn điều khiển từ xa.

Theo chia sẻ, trong các môn học Trường An giỏi nhất là môn Vật lý.  Khi học lớp 8 Trường THCS An Qui, Trường An đã tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện với thiết bị chống trộm trên điện thoại. Đối với sản phẩm máy chuốt cọng dừa, Trường An có ý tưởng và bắt tay thực hiện từ tháng 2-2019, làm trong vòng 1 năm thì máy được hoàn thiện. Trường An chia sẻ: “Xuất phát từ việc phụ giúp bố mẹ trong việc chuốt cọng dừa, em nhận thấy việc chuốt thủ công rất tốn công sức và thời gian nhưng ngược lại năng suất không cao, từ đó em nảy sinh ra ý tưởng chế tạo máy chuốt cọng dừa”.

Máy chuốt cọng dừa cho năng suất lao động cao hơn nhiều lần so với chuốt thủ công bằng tay, giúp giảm thời gian, công sức, tăng năng suất cho người dân, đáp ứng tốt nhu cầu cho các cơ sở sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có từ cây dừa, giúp cải thiện thu nhập cho các gia đình.

Hiện nay, nhu cầu về máy chuốt cọng dừa của thị trường rất lớn. Đối tượng Trường An hướng tới là những hộ dân, thương lái, các chủ cơ sở sản xuất, các làng nghề bó chổi, làm giỏ, làm tăm… trên địa bàn huyện, xa hơn nữa là trong tỉnh và các địa phương lân cận. Máy được chế tạo nhỏ gọn, dễ di chuyển, dễ vận hành, không yêu cầu trình độ chuyên môn cao. Trường An cho biết: “Cấu tạo của hệ thống máy gồm 6 bộ phận chính: bộ khung, lưỡi dao, hệ thống cuốn, hệ thống cước, bộ phận truyền động và ống định hình cho cọng dừa thành phẩm”.

Trong quá trình nghiên cứu, Trường An đã thể hiện lối suy nghĩ độc lập, sáng tạo, chịu khó. Thầy Phạm Văn Hiểu - Giáo viên môn Giáo dục quốc phòng Trường THPT Lương Thế Vinh, người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ Trường An trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo ra máy chuốt cọng dừa nhận xét: “Trường An là một học sinh giỏi, rất đam mê nghiên cứu khoa học, thích sáng tạo những cái mới, những sản phẩm có thể ứng dụng cho đời sống xã hội. Trong quá trình nghiên cứu, Trường An có rất nhiều ý tưởng, tôi thấy ý tưởng làm máy chuốt cọng dừa là khả thi nhất, nên tôi tích cực hỗ trợ, hướng dẫn em bắt tay vào làm, quá trình làm cũng có sai sót, nhưng cuối cùng cũng thành công”.

Với niềm đam mê và sự thành công trong nghiên cứu khoa học, Trường An là gương sáng để bạn bè trong lớp, trong trường học hỏi. Em Nguyễn Thị Hạnh Nguyên - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Em thấy bạn An rất giỏi, chịu khó và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sản phẩm máy chuốt cọng dừa của bạn rất hay và giá trị, có thể ứng dụng vào thực tiễn; sự đam mê, tìm tòi và sáng tạo ấy rất đáng để em và các bạn học hỏi”.

Đang học lớp 12, Trường An ấp ủ rất nhiều dự định cho tương lai. Em bày tỏ: “Hiện nay em có nhiều ý tưởng nhưng chưa thực hiện được. Em mong khi lên giảng đường đại học, em sẽ có nhiều điều kiện để hiện thực hóa ước mơ của mình, tạo ra những sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của người dân địa phương, xa hơn nữa là người dân cả nước”.

Theo Báo Đồng Khởi