Bến Tre: Hộ dân xây dựng đền thờ Bác Hồ tại nhà

02/12/2022 - 16:18

Đó là hộ ông Nguyễn Văn Bạch (Bảy Bạch), sinh năm 1969, Tổ nhân dân tự quản số 8, ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc hình thành ý tưởng xây dựng đền thờ Bác Hồ hơn 12 năm. Ông từng bước xây dựng theo chi phí của gia đình, tạo không gian thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn nghiêm và sạch đẹp. Đến nay, ông Bảy Bạch đã xây dựng hoàn thiện công trình.

A A

Ông Nguyễn Văn Bạch đang lau dọn bàn thờ Bác Hồ. 

Xây đền thờ Bác tại nhà

Đền thờ Bác Hồ tại gia có tổng diện tích hơn 600m2, với nhiều hạng mục: hàng rào bao quanh, cổng chào và đường dẫn vào, đền thờ chính với không gian đọc sách và nơi thờ tự Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không gian sinh hoạt cho người tham quan. Năm 2009, ông Bảy Bạch hoàn thành nơi thờ tự Bác Hồ. Năm 2012, ông sửa chữa và tân trang với nhiều phần việc, góp phần nâng chất công trình.

Bà Võ Thị Phải (vợ ông Bảy Bạch), 46 tuổi, nguyên quán ấp Tân Đức A, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc bộc bạch: “Khi chồng có ý tưởng xây dựng đền thờ Bác Hồ, tôi nhận thấy đó là việc rất đúng và hợp lý nên đồng thuận ngay. Kinh phí xây dựng phù hợp khả năng của gia đình, có bao nhiêu là xây bấy nhiêu”.    

Đến nay, ông Bảy Bạch đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng trong việc xây dựng đền thờ. Hàng rào xung quanh đã xây gạch, chưa tô và tạo màu sắc trang trí. Cổng chào được thiết kế bằng bê-tông. Đường dẫn vào không gian chính đền thờ dài hơn 20m, ngang 4,5m; hành lang chính giữa cao 70cm, ốp gạch bông với bề mặt khoảng 20cm và xây tường một bên. 

Không gian đọc sách (tầng trệt) cho người tham quan có diện tích 6m2, cao tầm 3m và là nơi đặt tủ sách đền thờ (cặp hông) và bàn đọc sách cùng ghế ngồi cho độc giả trang trọng (ở chính giữa). Tủ sách làm bằng kính (cao 1,7m, ngang 1,3m và rộng 0,5m), 4 ngăn đựng sách và ngăn đựng đồ cần thiết bằng nhôm. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Mỏ Cày Bắc trao tặng 167 đầu sách về Bác Hồ.

Chính diện thờ Bác Hồ và bên trái thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam và Đại tướng Giáp là tướng lĩnh thân cận của Bác Hồ. Trước kia, ông thỉnh tượng Bác Hồ bằng thạch cao trong khung bằng kính ở nhà sách bên cạnh hồ Trúc Giang về đặt trên miếng đá granite (0,7m2) thờ tự.

Năm 2012, ông Bảy Bạch mở rộng công trình đền thờ có dựng thêm gác bằng cây phía sau khu thờ Bác Hồ (ngang 3m và dài 15m). Trên tường, ông treo ảnh Bác Hồ do Bảo tàng Quân khu 9 (TP. Cần Thơ) sang tham quan công trình và biếu tặng (trên 30 bức tranh trắng, đen). Không gian bên ngoài đền thờ có hồ nước hình tròn (đường kính 5m), đặt búp măng non 3 ngọn chính giữa và không gian tượng trưng quê hương Bác Hồ; lắp đặt 12 hòn đá tượng trưng cho thắng cảnh Vịnh Hạ Long cũng như 12 con giáp.

San sẻ khó khăn cùng địa phương

“Từ nhỏ tôi đã thấm nhuần đạo đức cách mạng, truyền thống gia đình (ông, bà nội có bằng Tổ quốc ghi công. Cha ruột có bằng khen vì có thành tích đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do UBND tỉnh trao tặng). Công lao của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam là bất tận nên chúng ta cần làm những gì ghi nhớ công ơn của sự hy sinh của Bác “Cả một đời vì nước vì dân” và việc lập đền thờ Bác là một việc làm cụ thể”, ông Bảy Bạch tâm sự.

Năm 2007, ông vận động kinh phí 30 triệu đồng làm lộ Tổ nhân dân tự quản số 8 (đường vào nhà ông) với chiều ngang 1m, dài 300m. Sau này, ông tiếp tục vận động và bỏ ra kinh phí san lấp mương rãnh, nâng cao cũng như mở rộng lộ nông thôn từ 2,5 - 3,5m sạch đẹp và an toàn. Ông tiếp tục vận động kinh phí trên 200 triệu đồng xây dựng lộ nông thôn Kinh Ngang và Bờ Đắp (bản thân xuất tiền túi 25 triệu đồng góp chi phí xây dựng). Dịp lễ, Tết, gia đình ông Bảy Bạch cũng trao tặng những phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Trước kia, ông giúp đỡ hộ bà Sáu Hên (ấp Hòa II, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách) với 100 ngàn đồng/tháng và trao quà dịp đặc biệt. Bà Sáu Hên đã mất hơn 1 năm nay.

Năm 2010, ông Nguyễn Văn Bạch được ra Thủ đô Hà Nội tham dự lễ tổng kết 4 năm “Học tập và làm theo gương Bác Hồ”. Năm đó, Bến Tre có 6 người được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương.

Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ Trung Lê Chí Thành cho biết: “Hộ ông Nguyễn Văn Bạch tự thân vận động kinh phí xây dựng đền thờ Bác Hồ là một hành động đáng trân trọng. Ông luôn tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng tại địa phương”.

Bí thư Chi đoàn ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Đền thờ Bác Hồ là nơi tôn kính thờ tự cũng như có không gian cho đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương tham quan, sinh hoạt truyền thống. Không chỉ trong huyện mà đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến đây thắp hương viếng Bác”.

Theo Báo Đồng Khởi