Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Công Trí
Phát triển điện gió
Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, giúp phát huy tiềm năng kinh tế biển.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch 19 DAĐG với tổng công suất 1.007,7MW. Có 9/19 dự án với công suất khoảng 368MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021 với công suất 93,05MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh. Còn 10/19 dự án với công suất khoảng 640MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện.
DAĐG có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đơn giản, nếu phát triển 1.500MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, đạt doanh thu khoảng 10 ngàn tỷ đồng/năm, thì mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, dự án sẽ giải quyết được việc làm cho người dân vùng dự án và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Từ đó, góp phần to lớn đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng dự án nói riêng và tỉnh nói chung. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, hiện nay cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực. Trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai. Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công Thương về phát triển các DAĐG cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực các DAĐG trên bờ có phát sinh khiếu nại, làm chậm tiến độ dự án…
Để khắc phục các vướng mắc, khó khăn nêu trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện mới để các nhà đầu tư có quyết định sớm triển khai các DAĐG còn lại. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Công Thương) có hướng dẫn rõ ràng về khu dân cư để giải quyết các khiếu nại phát sinh đối với các DAĐG trên bờ.
Nuôi tôm công nghệ cao
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, để gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản, tỉnh có kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025. Theo đó, một số công ty tham gia như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết sản xuất tại vùng nuôi tôm CNC tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hỗ trợ xây dựng quy hoạch ngành tôm trên địa bàn 3 huyện biển; xác định 3 vùng nuôi tôm CNC tập trung tại 3 huyện vùng biển Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, với tổng quy mô 450ha.
Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình nuôi thủy sản của tỉnh khá thuận lợi, giá tôm nguyên liệu ổn định ở mức khá cao. Tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống 45.503ha, tăng 4,62% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi tôm biển đạt 34.700ha; tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 190.472 tấn, đạt 99,48% so với cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định; tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Mô hình tôm CNC liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam của ông Nguyễn Thành Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, sau gần 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Ông Phong cho biết, việc ứng dụng CNC vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Hiện ông Phong nuôi tôm ứng dụng CNC 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2ha. Với giá tôm hiện khoảng 180 ngàn đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho hay, huyện đang tập trung vận động nuôi tôm CNC với diện tích khoảng 800ha. Đây là mô hình nuôi tôm rất hiệu quả, đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sản lượng nuôi tôm CNC hiện đạt mức cao khoảng 40 tấn/ha/năm, gấp 3,5 lần nuôi tôm thâm canh và gấp 20 lần nuôi tôm bán thâm canh.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh, năm 2022, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,5%, giúp tạo nguồn thu cho ngân sách và nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, tỉnh xây dựng chương trình phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với tình hình mới; nâng cao hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển; triển khai mạnh đề án 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC; trong đó, ban hành quyết định phân vùng nuôi để các tổ chức tín dụng tiếp cận, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ/công ty nuôi tôm CNC…
“Thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai dự án tuyến đường ven biển giai đoạn 1. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai đề án phát triển khu vực kinh tế biển tỉnh, trong đó, có hoạt động lấn biển. Tích cực và chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, nhất là về thủ tục, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, điện gió đã cấp chủ trương đầu tư và các dự án của các nhà đầu tư chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với tỉnh…”.
(Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ)
|
Hồng Đạt - Công Trí