Bến Tre: Khánh thành công trình nâng cấp và chuyển chất liệu Tượng đài Đồng Khởi

26/04/2023 - 14:23

Ngày 26-4-2023, lễ khánh thành công trình nâng cấp và chuyển chất liệu Tượng đài Đồng Khởi đã trang trọng diễn ra tại Công viên Đồng Khởi.

Đại biểu tham dự sự kiện.

Tham dự sự kiện có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, chính quyền, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể, đại diện các chức sắc tôn giáo, quý Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tượng đài Đồng Khởi với chất liệu bê-tông cốt thép được khánh thành vào năm 1995, qua hơn 27 năm, công trình đã hạn chế khả năng chống chịu dưới tác động của tự nhiên. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, chuyển chất liệu Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre theo Quyết định số 2425/QĐ-UBND.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nâng cấp, chuyển đổi chất liệu Tượng đài Đồng Khởi.

Các hạng mục nâng cấp, chuyển chất liệu gồm: Nâng cấp cải tạo đế bệ tượng đài, nâng cấp cải tạo bể nước, hệ thống điện chiếu sáng, sân vườn, chống sét. Nâng cấp, chuyển đổi chất liệu Tượng đài mẹ Bến Tre và cụm Tượng Nhân dân Bến Tre, lấy nguyên mẫu từ tượng hiện trạng, chuyển đổi thành đá granite tự nhiên màu trắng xám. Đồng thời, vệ sinh bề mặt biểu tượng tàu lá dừa, phun thuốc chống rêu mốc, đục trám vết nứt, chống thấm. Công trình hoàn thành sau 375 ngày thi công, với tổng mức đầu tư hơn 18,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại lễ khánh thành công trình.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: “Việc chuyển sang chất liệu đá nhằm tăng độ bền và đường nét sắc sảo nhưng vẫn giữ nguyên gốc thiết kế Tượng đài Đồng Khởi là việc làm cấp bách và cần thiết. Việc làm này còn là sự vinh danh, kế thừa và phát huy thành tựu nổi bật của các bậc tiền bối, những chứng nhân của lịch sử, người có công lao to lớn trong sự nghiệp trao truyền các giá trị chân, thiện, mỹ. Qua đó, để giáo dục truyền thống cho thế hệ những người đang tiếp nối hôm nay và mai sau tiếp bước, phát huy mạnh mẽ truyền thống phong trào Đồng Khởi năm xưa”.

Tiết mục biểu diễn chào mừng.

Công trình Tượng đài Đồng Khởi là tâm huyết của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, của nhóm tác giả gồm: Họa sĩ Lê Dân, điêu khắc gia Trần Thị Chúc, nghệ nhân điêu khắc Lương Xuân Ba, kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương và Giáo sư Nguyễn Phước Sanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh làm cố vấn. Cả tập thể đã góp sức tạo nên một tác phẩm mỹ thuật biểu đạt sắc nét, cô đọng, chân thực chủ đề tư tưởng của phong trào Đồng Khởi và đã khái quát khí phách kiên cường của con người Bến Tre. Cho đến nay, Tượng đài Đồng Khởi đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc biệt, biểu trưng cho xứ Dừa Đồng Khởi Bến Tre.

Tượng đài Đồng Khởi.

Quần thể tượng đài Đồng Khởi gồm: Tượng mẹ Bến Tre cao 7,3m, với tư thế tiến lên, tay cầm ngọn đuốc lá dừa giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên. Tượng mẹ Bến Tre được đặt trên nền là một hồ nước lớn hình tròn có đường kính 30m. Trên hồ nước là 3 mảng bê-tông được bố cục hình xoáy trên ốc đồng tâm, tượng trưng cho 3 cù lao Bảo, Minh và An Hóa. Biểu tượng tàu lá dừa cao 15,6m, tượng trưng cho lòng bất khuất, ý chí kiên cường của Nhân dân Bến Tre.

Nhóm Tượng Nhân dân Bến Tre cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, từ cụ già đến em nhỏ, người sống và người chết cùng nhau ra trận. Đó là ông lão nông đánh mõ - hình ảnh của nông dân Bến Tre nổi trống đánh mõ trong đêm Đồng Khởi; anh bộ đội tay cầm cây súng ngựa trời - một loại vũ khí thô sơ nhưng làm kẻ thù khiếp vía vào những ngày đầu Đồng Khởi; một em nhỏ ôm bó chông và người phụ nữ bồng xác một em bé đi đấu tranh. Bức phù điêu (2 mặt, dài 20m, cao 4m) thể hiện các sự kiện những ngày đầu Đồng Khởi, như trận diệt đội Tý, binh vận lấy đồn bót, kéo nhau ra Quận Mỏ Cày tản cư ngược để phản đối càn quét dân…

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)