Xây dựng đường Đê Tây, xã Đại Hòa Lộc.
Phân bổ, sử dụng nguồn vốn
Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện Bình Đại có 1.129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,61%; 1.253 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,89%, trong tổng số 43.327 hộ trên địa bàn huyện.
Để thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện sử dụng kinh phí được bố trí từ Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ nguồn vốn đối ứng của cộng đồng khi tham gia dự án. Năm 2022, 2023 và 2024, kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ 25,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2,5 tỷ đồng. Qua sử dụng nguồn vốn được phân bổ, kết quả chương trình giảm nghèo năm 2024 tại huyện Bình Đại như sau: Đối với Dự án 1 Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, chuyển tiếp 2 công trình, với nguồn vốn 3,1 tỷ đồng để thực hiện cơ sở hạ tầng xã bãi ngang, gồm: đường liên ấp Giồng Kiến - Ao Vuông (ĐA08), xã Phú Long và đường Đông Mắc Miễu (ĐA06) xã Đại Hòa Lộc.
Khởi công mới 1 công trình là đường ĐC03 (đường Tổ 4 ấp Vinh Xương), xã Vang Quới Đông, đoạn từ quốc lộ 57B đến nhà ông Nguyễn Văn Hưng, kinh phí 800 triệu đồng. Phân bổ kinh phí 990 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 900 triệu đồng, ngân sách địa phương 90 triệu đồng để nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang. Hiện huyện Bình Đại đã hoàn chỉnh dự toán kinh phí, quyết định phê duyệt đầu tư và đang triển khai thực hiện. Dự kiến đến cuối năm 2024, các công trình sửa chữa hoàn thành và giải ngân, quyết toán kinh phí đạt 100% mức đầu tư.
Trong khi đó, vốn phát triển mô hình giảm nghèo chưa có nhiều hộ dân tiếp cận. Cụ thể, ở Dự án 2 Đa dạng hơn sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí đã phân bổ trong 3 năm 2022, 2023, 2024 là 11,1 tỷ đồng. Đến nay, Tổ thẩm định hồ sơ thực hiện của huyện đã thẩm định hồ sơ 17 dự án thuộc 13 xã (12 dự án chăn nuôi, 5 dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ), với 146 hộ tham gia, kinh phí 6,6 tỷ đồng, đạt 54,7% so với kinh phí đã phân bổ 3 năm. Huyện Bình Đại có 19 xã và 1 thị trấn. Năm 2024, có 4 xã báo cáo không có hộ đăng ký tham gia dự án giảm nghèo là: Châu Hưng, Bình Thới, Bình Thắng và Thới Thuận.
Huyện Bình Đại nêu những bất cập trong bố trí vốn. Cụ thể, năm 2022 và 2023, nguồn vốn phân bổ của một số dự án như: Dự án phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo; vốn cho mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phải đợi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và hướng dẫn nên đến năm 2024 mới triển khai thực hiện.
Khẩn trương giải ngân vốn
Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho rằng: “Việc chậm giải ngân có một phần lỗi của huyện, của địa phương. Hiện tôi là tổ trưởng trực tiếp thẩm định các dự án của huyện (đối với các dự án giảm nghèo), với mong muốn là các dự án khi giải ngân sẽ đúng đối tượng, đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Huyện Bình Đại cố gắng đến cuối tháng 9-2024 sẽ giải ngân hết các dự án đã phê duyệt, chỉ có các dự án liên quan đến đấu thầu là còn phải chờ theo trình tự thủ tục”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho rằng: “Trong thời gian còn lại của năm 2024, huyện cần tiếp tục tập trung công tác giảm nghèo, nhất là các cán bộ được phân công phụ trách giảm nghèo cần cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Các xã cần quan tâm, theo sát tình hình của từng hộ nghèo và khi cần thì nhờ các ngành chức năng (ngành được phân công thực hiện dự án) hỗ trợ người dân, khi họ gặp khó khăn. Chuẩn bị cho năm 2025, các xã cần nắm thật chắc nhu cầu vốn của hộ dân, để việc phân bổ vốn hợp lý, giúp người dân vay vốn thực hiện mô hình thoát nghèo được khả thi”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh: “Năm 2023, việc thực hiện giảm nghèo tại tỉnh có nhiều vướng mắc về cơ chế, không thể giải ngân các nguồn vốn. Nhưng sau đó, Quốc hội đã họp và ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18-1-2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ cũng đã có những cuộc họp chỉ đạo rất rõ các giải pháp tháo gỡ theo yêu cầu của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, ở cấp bộ cơ chế thực hiện đã thông thoáng, còn lại là việc của địa phương, do đó, các địa phương phải tập trung thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra trong năm 2024”.
Theo nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 của UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024 tỉnh sẽ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,25% (giảm 0,38%, tương đương 1.540 hộ). Để thực hiện đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ theo quy định.
Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)