Bến Tre: Nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh nông sản

22/09/2023 - 09:47

Trong xu thế toàn cầu và hội nhập thế giới, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp là một yếu tố cần thiết để tồn tại và mở rộng thị trường. Ngoài thị trường tiêu thụ nội địa, các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đang từng bước được nâng cao giá trị sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ, New Zealand, Trung Quốc…

Lúa An Nhơn, huyện Thạnh Phú đã được xây dựng mã số vùng trồng nội địa với 54,2ha. Ảnh: Cẩm Trúc

Xây dựng chứng nhận VietGAP, ORganic

Thông qua các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã hình thành, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung và các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất như: VietGAP, hữu cơ đối với cây dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, xoài, sầu riêng…

Đến nay, bưởi da xanh đã có vùng sản xuất tập trung, với diện tích 374ha, 7 tổ hợp tác (THT), 13 hợp tác xã (HTX) đã hình thành 20 liên kết với doanh nghiệp (DN) đầu ra; trong đó, có 357ha đạt chứng nhận VietGAP.

Chuỗi giá trị dừa có 32 THT, 28 HTX tham gia vùng sản xuất, gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 5.648ha. 3 DN liên kết tham gia chuỗi và xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ (Organic) như: Công ty TNHH dừa Định Phú Mỹ, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH T&V Coconut. Kết quả xây dựng chứng nhận dừa hữu cơ đến nay đạt trên 17.800ha, chiếm 22,9% diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, diện tích đạt chứng nhận hơn 11.400ha.

Đối với trái chôm chôm, ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Hiện tại, giống chôm chôm được thị trường Mỹ chuộng nhất là chôm chôm Thái. Vì vậy, để giữ vững thị trường Mỹ, tỉnh đang tìm thêm giống chôm chôm chất lượng để mở rộng diện tích, đảm bảo cung cấp liên tục cho xuất khẩu với số lượng lớn.

Riêng với nhãn, hiện nay, tỉnh đã xây dựng được mô hình chứng nhận VietGAP và cấp mã Code xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu bán sản phẩm thông qua thương lái địa phương và các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Nam, từ năm 2021 đến nay, diện tích trồng dừa và sầu riêng của tỉnh có xu hướng gia tăng. Diện tích trồng chôm chôm, bưởi da xanh và nhãn có chiều hướng giảm. Nguyên nhân, do bị ảnh hưởng của hạn, mặn nên năng suất giảm, diện tích bị đốn bỏ nhiều. Ngoài ra, giá bán của chôm chôm, bưởi da xanh và nhãn thấp nên nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác.

“Khó khăn, thách thức hiện nay là giữa sản xuất và tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ, thiếu thông tin về thị trường nên nông dân bán sản phẩm chưa đúng với giá trị thực, gây bất lợi cho người sản xuất. Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh gay gắt sản phẩm nông nghiệp chủ lực với các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc…”, ông Nguyễn Văn Nam nhận định.

Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu

Xây dựng mã số vùng trồng nội địa, gồm: 5 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 99ha, trong đó, lúa, bưởi, rau… và 27 vùng trồng xuất khẩu được cấp 54 mã số với diện tích hơn 400ha. Bưởi da xanh (16 vùng trồng, gắn với 31 mã số), chôm chôm (3 vùng trồng gắn 6 mã số), xoài (3 vùng trồng gắn với 12 mã số), sầu riêng (4 vùng trồng gắn 4 mã số), nhãn (1 vùng trồng gắn 1 mã số).

Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: CTV

Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: CTV

Toàn tỉnh có 4 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Huyện Chợ Lách có Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu và Trung Quốc. Công ty TNHH MTV Định Kiều xuất khẩu chôm chôm sang Trung Quốc. Huyện Châu Thành có Công ty TNHH TM DV XNK VINA T&T xuất khẩu vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn… sang thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan và sầu riêng sang Trung Quốc. Huyện Giồng Trôm có Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers xuất bưởi da xanh, xoài sang thị trường EU, sầu riêng sang Trung Quốc.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong thời gian qua rất được quan tâm. Tuy nhiên, một số mã vùng trồng, cơ sở đóng gói trước đây đã đăng ký cấp ở Cục Bảo vệ thực vật chưa hoạt động tốt, cần nhiều thời gian để góp ý, hoàn chỉnh đạt theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

“Đối với bưởi da xanh, bước đầu diện tích xin gắn mã số xuất khẩu Hoa Kỳ (176,7ha) còn quá ít so với diện tích bưởi da xanh toàn tỉnh. Nhưng đây cũng là điều kiện để các hộ dân và DN tiếp tục thực hiện các diện tích bưởi còn lại sao cho người trồng bưởi có được thị trường ổn định và giá bán hấp dẫn hơn”, ông Nam nhận định.

Hướng tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền vận động và hỗ trợ người dân canh tác đúng theo yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu, để quả bưởi của Bến Tre được xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như các nước khác.

“Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại chính ngạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh sang thị trường Trung Quốc, các nước EU và các thị trường tiềm năng khác. Đồng thời, giới thiệu, kết nối cho tỉnh những DN chế biến sâu để tránh tình trạng ùn ứ sản phẩm nông nghiệp khi vào thu hoạch chính vụ” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Nam

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)