Vệ sinh các dụng cụ tồn đọng nước để diệt lăng quăng, không để phát sinh muỗi.
Số ca bệnh nặng tăng 1,6 lần
Từ đầu năm đến đầu tháng 8-2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.022 ca SXH, trong đó có 32 ca nặng. So với cùng kỳ 2021, số ca SXH trong năm 2022 tăng 1,9 lần (năm 2021 có 519 ca) và số ca bệnh nặng tăng 1,6 lần. Theo thống kê của ngành y tế, các ca bệnh xuất hiện tại tất cả 9 huyện, thành phố. Trung bình mỗi tuần xuất hiện dao động từ 60-70 ca. Tính đến cuối tháng 7-2022, các huyện có số ca SXH cao nhất là Chợ Lách (198 ca), Mỏ Cày Bắc (143 ca), TP. Bến Tre (113 ca), Mỏ Cày Nam (113 ca).
Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Trần Hưng Nam cho biết: Tình hình bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp, nhiều khả năng SXH Dengue có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Thực tế, từ ngày 30-5 đến 31-7-2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.022 ca SXH Dengue. SXH Dengue có tính chu kỳ 3 - 4 năm 1 lần, mà vào giai đoạn 2019- 2020, số ca tăng rất cao. Do đó, khả năng năm 2022 hoặc năm 2023 có thể lặp lại chu kỳ.
Thời gian qua, nhằm không để dịch bùng phát, CDC triển khai các văn bản tăng cường phòng chống SXH của Bộ Y tế, Viện Pasteur, Sở Y tế. Công tác truyền thông được thực hiện hầu hết các huyện. Đặc biệt, các huyện có số ca mắc cao. CDC cũng đã tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp để cung cấp kiến thức phòng chống các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại địa phương trong đó có SXH. Tùy đặc thù tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, CDC chỉ định các biện pháp xử lý dịch phù hợp với từng địa phương, nhằm ngăn chặn không để dịch bùng phát. Đặc biệt, dập dịch diện rộng tại một số ấp thuộc các huyện có nguy cơ bùng dịch cao. Cụ thể, thực hiện dập dịch 7 ấp thuộc các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri. Từng đợt dịch bùng phát, cán bộ y tế CDC đều tham gia hỗ trợ, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý ổ dịch cùng với địa phương.Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh SXH Dengue toàn tỉnh qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cũng như báo cáo từ tuyến dưới, vẽ biểu đồ theo dõi xu hướng của bệnh để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Những nơi có nguy cơ xảy ra dịch và có chỉ số mật độ muỗi cao >=0,5 con/nhà đều đã thực hiện phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng. Đơn vị đã thực hiện giám sát trọng điểm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh để nắm tình hình số ca mắc cũng như lấy mẫu thực hiện xét nghiệm phân lập vi-rút Dengue.Tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng có chất lượng ở các địa bàn có ổ dịch hoạt động 1 tuần/lần, khu vực nguy cơ 2 tuần/lần và các khu vực còn lại 1 tháng/lần.
Giải pháp giảm ca nặng
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn phòng chống bệnh truyền nhiễm vừa được tổ chức, TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp giảm tử vong do SXH Dengue. Cụ thể, cơ sở y tế các tuyến tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên mới, cập nhật, tập huấn nhắc lại cho nhân viên cũ. Đào tạo nâng cao cho nhân viên y tế có tiếp nhận điều trị người bệnh SXH nặng, SXH Dengue trên một số cơ địa đặc biệt bệnh tăng huyết áp, thừa cân/béo phì, phụ nữ có thai.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Trọng Khoa lưu ý thêm công tác tập huấn chăm sóc và theo dõi người bệnh cho điều dưỡng. Tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện, thực hành chuyển viện an toàn, đặc biệt là công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc SXH Dengueđể cho người bệnh nhập viện kịp thời. Các bệnh viện tư, phòng khám tư thiết lập nhóm điều trị SXH và duy trì hoạt động nhóm, hội chẩn, trao đổi thường xuyên; giám sát điều trị, lưu ý vấn đề truyền dịch trong điều trị SXH Dengue. Thiết lập đường dây nóng, kênh hỗ trợ từ xa. Bảo đảm đủ thuốc, vật tư, dịch truyền, thiết bị cho công tác điều trị.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống SXH tại tỉnh thời gian tới, CDC dự trù sẵn sàng cơ sở vật chất như: máy phun, hóa chất diệt muỗi, lăng quăng để chủ động trong tình huống dịch bùng phát diện rộng. Bác sĩ Trần Hưng Nam đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhất là cấp xã cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát hơn và huy động nhiều nguồn lực cho các hoạt động chống dịch SXH. Trung tâm y tế huyện cần hướng dẫn kỹ về kiến thức phòng chống SXH, cách phát hiện lăng quăng, cách vãng gia, trang bị đèn pin khi đi khảo sát lăng quăng…cho cán bộ tham gia xử lý dịch tại địa phương để công tác dập dịch đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, theo dõi sát hơn tình hình SXH tại địa phương, vẽ biểu đồ ca bệnh, đường cong dịch để đánh giá nguy cơ, mức độ của dịch, nhằm sớm đưa ra chỉ định xử lý dịch phù hợp. Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã thực hiện khảo sát chỉ số muỗi, lăng quăng để tham mưu cho Ban chỉ đạo tiến hành thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng với tần suất: Nơi ổ dịch đang hoạt động 1 tuần/lần; khu vực nguy cơ 2 tuần/lần; các khu vực còn lại 1 tháng/lần. Ban chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh truyền thông cách phòng chống SXH, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác diệt lăng quăng.
6 khuyến cáo người dân phòng bệnh SXH của ngành y tế, gồm: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Báo Đồng Khởi