Bến Tre: Phòng ngừa tai nạn đuối nước vào mùa mưa bão

28/09/2022 - 14:49

Bến Tre là địa phương với đặc điểm địa hình sông ngòi dày đặc và có 3 huyện giáp biển nên hàng năm đều có những vụ tai nạn đuối nước (TNĐN) thương tâm xảy ra. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ đuối nước làm chết 10 người.

A A

 Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức tuyên truyền nhiều biện pháp để phòng ngừa, nâng cao nhận thức phòng TNĐN trong nhân dân, nhất là trong mùa mưa, bão.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phát tờ rơi cảnh báo tai nạn đuối nước trên chuyến phà đưa khách sang sông. Ảnh: Minh Tú

Nguy cơ tai nạn đuối nước

Nhiều người vẫn nghĩ, việc bất cẩn té ngã xuống nước khó có thể gây ra đuối nước, thế nhưng khi bị té vào nước sẽ có nhiều yếu tố tác động như: cơ thể bị chuột rút, tái phát các triệu chứng về bệnh lý, vướng phải vật cản hoặc gặp phải vùng nước sâu, bị dòng nước chảy xiết mạnh, xoáy sâu khiến sức con người không thể kháng cự… Các yếu tố đó làm cho nước nhanh chóng tràn vào các bộ phận hô hấp trong thời gian ngắn, sau đó dẫn đến ngạt nước. Vì vậy, TNĐN luôn là mối nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người, nhất là đối với trẻ em.

Hiện nay đang vào giữa mùa mưa, bão nên các yếu tố về thời tiết xấu tác động dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra các vụ TNĐN. Vì trong mưa, bão thường kèm theo gió lớn, thậm chí là giông, lốc gây nguy hiểm đối với người và các phương tiện di chuyển trên các tuyến đường thủy. Ngoài ra, mưa, bão có thể làm mực nước dâng cao, ngập các con đường thấp, trơn trợt, làm cho người di chuyển gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ trượt ngã xuống ao, kênh, rạch và các vùng nước sâu, nước xoáy nguy hiểm.

Điển hình như vào đầu mùa mưa, trên tuyến sông Tiền khu vực thuộc xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại đã xảy ra 1 vụ tai nạn chìm sà lan chở vật liệu xây dựng, làm 1 người rơi vào vùng nước sâu dẫn đến đuối nước tử vong.

 Trước những diễn biến khó lường của thời tiết trong mùa mưa, bão và để tránh tình trạng TNĐN có thể xảy ra trong thời gian tới, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức xây dựng nhiều biện pháp đề phòng TNĐN. Đặc biệt là các huyện, xã giáp biển luôn chủ động siết chặt công tác đề phòng với TNĐN trên địa bàn. Cùng với đó, lực lượng công an các cấp trong tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác cho nhân dân. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo TNĐN cho người dân khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy; tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn như áo phao, vật nổi khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy để chủ động phòng ngừa đối với TNĐN; lực lượng công an cơ sở cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt pháp luật cho các em học sinh lồng ghép thêm việc chú ý đến đề phòng TNĐN và các loại tai nạn khác.

Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em

Ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì việc tự nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn thận của mỗi người chính là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa TNĐN. Đối với người dân sinh sống bằng nghề ghe, tàu, cần chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn, có trang bị đầy đủ các phương tiện nổi cứu sinh nên ngừng các hoạt động trên sông, kênh, rạch khi có mưa lớn; các hộ dân sống ở khu vực gần sông, kênh, rạch hạn chế đến các khu vực có nước dâng cao, đường trơn trợt, các khu vực có nước sâu, nước xoáy để tránh né.

Các ao, hồ, sông, rạch thường là điểm đến chơi đùa của các em nhỏ. Nơi đây mức độ rủi ro về TNĐN rất cao, hiện nay kèm theo thời tiết của mùa mưa, bão lại càng nguy hiểm nhiều hơn nên công tác bảo vệ, đề phòng TNĐN cho trẻ em càng được chú trọng. Qua đó, cần tăng cường sự giám sát, trông nom của người lớn trong gia đình đối với các hoạt động vui chơi của trẻ em tại các khu vực sông, kênh, rạch; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trẻ em về mối đe dọa của TNĐN, nhận thức được các địa điểm nguy hiểm có nguy có xảy ra đuối nước, hướng dẫn các kỹ năng xử lý khi có tình huống đuối nước xảy ra, cho các em tham gia các lớp dạy kỹ năng bơi lội để các em có thể bảo vệ bản thân.

TNĐN chưa bao giờ là một câu chuyện cũ. Mặc dù TNĐN luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao có thể xảy ra nhưng hoàn toàn chủ động phòng ngừa được, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình, nhất là trẻ em để phòng tránh không để xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Theo MINH ANH (báo Đồng Khởi)