Bến Tre: Tăng cường quản lý mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu

01/11/2023 - 08:28

Trong quá trình hội nhập mở cửa thị trường, hàng hóa nông sản xuất khẩu cần phải có sự minh bạch trong sản xuất, quá trình truy xuất nguồn gốc được công khai thì mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) là yêu cầu tất yếu. Toàn tỉnh hiện có 41 vùng trồng được cấp 84 mã số. Một số loại nông sản đã xây dựng MSVT như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài, sầu riêng… đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc

Vùng trồng dừa uống nước được cấp mã số vùng trồng tại huyện Châu Thành.

Xây dựng mã số vùng trồng

Tính đến ngày 15-10-2023, có một số loại nông sản của tỉnh được xuất khẩu sang các thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Cụ thể, có 41 vùng trồng xuất khẩu, với 84 mã số đang hoạt động, diện tích hơn 671ha. Bưởi da xanh có 23 vùng trồng gắn 51 mã số. Chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 6 mã số. Xoài có 4 vùng trồng gắn 16 mã số. Sầu riêng có 10 vùng trồng gắn 10 mã số. Nhãn có 1 vùng trồng gắn 1 mã số.

Về CSĐG, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp (DN) và 1 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động được cấp mã số, gồm: Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH TM DV XNK VINA T&T, Công ty TNHH XNK Huỳnh Mai, Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers, HTX Bưởi da xanh Bến Tre.

Đến nay, toàn tỉnh có 36 vùng trồng, với 2.356ha và 11 CSĐG, với tổng công suất trên 1 triệu trái/ngày đủ điều kiện và đã được chuyển hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật. Riêng trên địa bàn huyện Giồng Trôm, có 4 CSĐG và 10 vùng trồng, với 1.341 hộ tham gia trên địa bàn các xã: Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm, Hưng Nhượng, Phước Long và Bình Thành đủ điều kiện và đã được chuyển hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật.

Theo ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tháng 3-2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao nhiệm vụ cấp và quản lý MSVT, mã số CSĐG về cho địa phương. Để công tác quản lý nhà nước có hiệu quả, đảm bảo minh bạch trong quy trình thực hiện cấp và quản lý MSVT, mã số CSĐG, Sở NN&PTNT đã kiện toàn Tổ kiểm tra, giám sát MSVT, mã số CSĐG.

Tăng cường công tác quản lý

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật từ năm 2021 đến tháng 7-2023, đã nhận thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng xuất khẩu không tuân thủ kiểm dịch thực vật, với 750 trường hợp vi phạm MSVT và mã số CSĐG. Riêng trong 8 tháng năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm với 439 trường hợp vi phạm.

Quản lý vùng trồng đối với cây dừa.

Quản lý vùng trồng đối với cây dừa.

Tại tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp vi phạm liên quan về kiểm dịch thực vật của các thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, không có trường hợp vi phạm khác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý và bắt buộc khắc phục các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, tỉnh không có trường hợp vùng trồng và CSĐG bị thu hồi mã số do vi phạm quy định.

Một số hạn chế trong công tác quản lý MSVT, mã số CSĐG trong thời gian qua như: không trung thực trong sử dụng MSVT, mã số CSĐG. Các hình thức gian lận phổ biến thường diễn ra như: đăng ký cấp mã tại địa phương nhưng thực hiện thu mua không đúng theo hợp đồng; thực hiện gian lận sử dụng mã số không thuộc sở hữu trong hoạt động xuất khẩu; thu mua nông sản tại địa phương này nhưng gắn mã số tại địa phương khác; thực hiện đăng ký MSVT và CSĐG nhưng không sử dụng và bán lại sản lượng cho các đơn vị kinh doanh khác để xuất hàng hay nói cách khác là kinh doanh mã số... Từ đó, dẫn đến phát sinh các vấn đề vi phạm khó kiểm soát.

Ngoài ra, các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý MSVT và mã số CSĐG, nêu rõ vai trò của các bên có liên quan trong công tác quản lý. Trong đó, các địa phương theo dõi tình hình sản xuất tại vùng trồng, thực hiện quản lý MSVT tại địa bàn. Đặc biệt, khi có phát sinh liên kết sản xuất tiêu thụ không ổn định hoặc các dấu hiệu không trung thực trong việc sử dụng MSVT và mã số CSĐG thì báo cáo về Sở NN&PTNT thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để phối hợp giải quyết…

“Đối với đại diện vùng trồng, CSĐG thực hiện tốt các công tác về quản lý MSVT, đảm bảo sản xuất đúng theo quy định hiện hành của Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu. Các vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số xuất khẩu phải cập nhật thông tin toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển sản phẩm trên phần mềm quản lý vùng trồng (Farmdiary) và phần mềm quản lý CSĐG” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)