Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu về các sản phẩm từ chỉ xơ dừa tại Ấn Độ.
Học chế biến chuyên sâu
Ấn Độ có diện tích dừa chỉ xếp sau Indonesia và Philippines. Qua chuyến công tác về xúc tiến thương mại, du lịch, công nghệ tại Ấn Độ vừa qua, đoàn công tác của tỉnh đã có dịp đến những vùng trồng dừa lớn của Ấn Độ, có thể gọi là thủ phủ dừa của Ấn Độ.
Mỗi trái dừa, thành phần cơm dừa chiếm 30%, vỏ dừa 33%, gáo dừa 15%, nước dừa 22%. Trong khi Bến Tre chỉ tập trung khai thác tốt các sản phẩm chế biến từ cơm dừa, tức mới khai thác tốt 30% thành phần trái dừa thì Ấn Độ họ khai thác hết các sản phẩm khác. Đó là lý do vì sao Bến Tre chưa tạo được giá trị tăng thêm cho chuỗi dừa nói chung và trái dừa như ở Ấn Độ.
“Ở Ấn Độ, các doanh nghiệp không xem sản phẩm nào là sản phẩm phụ mà tất cả đều khai thác chuyên sâu. Để tạo ra nhiều sản phẩm chuyên sâu từ chỉ xơ dừa, Ấn Độ có những công nghệ rất tốt để làm ra sản phẩm tiêu dùng, từ thảm lót, yên xe, nệm ngủ, bao bì, thảm phủ đất nông nghiệp, thảm chống xói lở. Do đó, cho đến nay, Ấn Độ vẫn là cường quốc số 1 về chế biến các sản phẩm từ chỉ xơ dừa; gáo dừa và cũng là cường quốc hàng đầu về than hoạt tính...”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho hay sau chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ vừa qua.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Đức, trong chuyến đi, ông rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất than hoạt tính tại Ấn Độ. Bởi đây là quốc gia dẫn đầu về công nghệ sản xuất than hoạt tính, với số lượng cung ứng toàn cầu đứng số 1 thế giới. Tại đây, sản phẩm than hoạt tính được chế biến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, với đa dạng công dụng: lọc nước, tẩy mùi, tẩy màu… trong đó đặc biệt là phục vụ cho ngành y tế rất lớn.
Về chỉ xơ dừa, ông Trần Văn Đức cũng nhận định, trình độ chế biến sản phẩm từ chỉ xơ dừa của nước bạn rất tốt, chuyên sâu trong khi ở Bến Tre ít quan tâm khai thác sâu, dẫn đến chuỗi giá trị cây dừa không đồng bộ. Nếu doanh nghiệp Bến Tre quan tâm khai thác được các sản phẩm này, đi vào công nghệ chế biến sâu và đa dạng hơn thì sẽ giúp nâng cao giá trị cho cây dừa.
Ấn Độ là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các mặt hàng này trên thế giới. Những doanh nghiệp rất chuyên nghiệp về khai thác thị trường, xuất nhập khẩu, công nghệ làm ra những sản phẩm này. Ấn Độ hiện có trên 1 ngàn doanh nghiệp chuyên sản xuất chỉ xơ dừa và xuất khẩu trên 100 quốc gia.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhận định: Ấn Độ thực hiện rất tốt việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của họ tại nội địa. Trong khi so với Bến Tre, chúng ta chỉ tiêu thụ nội địa trên dưới 10%. Các nhà sản xuất, kinh doanh ở Ấn Độ cũng tỏ ra rất thành công trong việc thuyết phục người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất.
Từ những ưu điểm, lợi thế trên đã giúp Ấn Độ giữ được giá dừa ổn định trong năm. Thu nhập người trồng dừa bền vững, giúp cho sự phát triển ngành dừa ổn định. Đây là nguyên nhân tích cực giúp giá dừa của Ấn Độ hiện nay vẫn đang duy trì ở mức cao trong khi các nước chế biến và xuất khẩu sản phẩm dừa đều gặp khó khăn chung trên thế giới.
Qua đó, đúc kết sau chuyến công tác, Bến Tre nên học tập ở Ấn Độ về việc phát triển toàn diện hơn các sản phẩm từ dừa. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị trái dừa. Đồng thời, phải rất chú ý khai thác thị trường nội địa tại tỉnh nói riêng và trong nước nói chung còn đang bỏ ngỏ rất lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Đức cũng lưu ý các doanh nghiệp về công nghệ chế biến các sản phẩm từ chỉ xơ dừa và gáo dừa. Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, hợp tác, đầu tư trực tiếp để phát triển chế biến đa dạng, chuyên sâu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm, góp phần phát triển toàn diện chuỗi dừa, nâng cao giá trị trái dừa hơn nữa. Đồng thời, tỉnh cần tổ chức hội thảo về giới thiệu sản phẩm dừa, nhằm vận động, khuyến khích người tiêu dùng nội địa quan tâm đẩy mạnh sử dụng sản phẩm dừa tại địa phương cũng như thị trường trong cả nước.
“Ấn Độ có lĩnh vực sản xuất chế biến dừa, tạo chuỗi giá trị cây dừa rất phong phú, là điều mà Bến Tre nên tiếp thu học tập. Trong đó, Ấn Độ làm rất tốt việc khai thác sản phẩm làm từ trái dừa và thân cây dừa”- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức
Theo Báo Đồng Khởi