Bến Tre: Thúc đẩy phát triển du lịch Thạnh Phú

31/10/2022 - 09:31

Huyện biển Thạnh Phú là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch (DL), nhất là DL biển, DL cộng đồng, sinh thái. Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển DL, thời gian qua, công tác phát triển DL trên địa bàn huyện có sự phục hồi tích cực. Trong năm 2022, với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá gắn với việc nâng cao chất lượng phục vụ, lượng khách DL tăng trở lại, ước đạt 350 ngàn lượt.

A A

Tham quan di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Những kết quả ghi nhận

Bên cạnh Khu DL biển Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú còn có các giá trị về truyền thống văn hóa với 2 di tích cấp quốc gia, 9 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong năm qua, huyện tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tạo điểm nhấn mang nét đặc trưng “DL Thạnh Phú”, với các loại hình, tham quan di tích lịch sử - văn hóa (Nhà cổ Huỳnh Phủ, nơi xuất quân Tiểu đoàn 307, di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển), DL biển Thạnh Phú gắn với tham quan điện gió và các điểm tâm linh.

Các di tích văn hóa - lịch sử được đầu tư, tôn tạo. Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre hiện đã được bàn giao cho địa phương và đang chờ phê duyệt Đề án Khai thác Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển để tiến hành khai thác đưa vào sử dụng. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu DL Cồn Bửng (cầu, đường, điện, viễn thông) được Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư về DL. Hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến tham gia khảo sát đầu tư các dự án về DL tại đây.

Phát triển DL sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những chiến lược phát triển DL của huyện. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và DL, các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát định hướng để phát triển loại hình DL sinh thái, DL cộng đồng. Qua đó, huyện đã phối hợp phát triển 2 điểm, gồm: Điểm DL sinh thái Chín Sông (xã Bình Thạnh) và DL sinh thái cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm rừng ngập mặn trên địa bàn xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Ngoài ra, huyện đang phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khảo sát, định hướng thực hiện một mô hình nông dân làm DL tại xã Thạnh Phong.

Huyện đã gắn tuyên truyền, giới thiệu và phát huy giá trị truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương, về đất và người Thạnh Phú, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế phát triển DL, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản đa dạng, hấp dẫn đến du khách, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống của nhân dân.

Chương trình liên kết phát triển DL với các huyện trong khu vực tiếp tục phát huy hiệu quả. Công tác thông tin xúc tiến, quảng bá DL được tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh; từng bước hình thành nhiều loại hình, sản phẩm DL, dịch vụ DL mang nét riêng có của xứ biển Thạnh Phú.

Khai thác tiềm năng

Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Thạnh Phú đã khẳng định được tiềm năng DL của huyện và đặt vào lợi thế phát triển DL chung của tỉnh. Huyện quan tâm kết nối và khai thác tiềm năng DL văn hóa, lịch sử, tâm linh trải nghiệm, DL biển, xem DL biển là điểm nhấn. Bên cạnh đó, ven sông Cổ Chiên, Hàm Luông là khu vực có tiềm năng cùng với các vùng đệm có lợi thế thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái là đầu vào cho DL. Nông nghiệp, công nghiệp và DL là 3 trụ cột tạo ra giá trị trong phát triển kinh tế của huyện. Huyện xác định dịch vụ nông nghiệp sạch, hữu cơ, các dịch vụ nông nghiệp sẽ là đầu vào cho DL, DL cũng sử dụng sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Trong thời gian tới, Thạnh Phú có giải pháp định dạng lại các mô hình nông nghiệp sinh thái như: trồng xoài, sa sâm, nuôi tôm công nghệ cao. Đây là sản phẩm DL, điểm đến tham quan, DL của huyện Thạnh Phú. Huyện sẽ mở ra dịch vụ DL, tham quan điện gió, định dạng lại khu DL Cồn Bửng, chợ thủy sản khang trang, quy củ hơn. Đặc biệt, huyện có hướng phát triển có 2 làng văn hóa DL Thạnh Phong - Thạnh Hải và Đại Điền - Phú Khánh.

DL sinh thái, DL cộng đồng gắn với DL nông nghiệp, nông thôn; DL văn hóa - lịch sử - tâm linh; tín ngưỡng dân gian vùng biển, DL vui chơi giải trí tiếp tục là các loại hình DL tiềm năng của Thạnh Phú. Đặc biệt, huyện quan tâm nghiên cứu phát triển DL về nguồn, chọn điểm nhấn là khai thác có hiệu quả Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tổ chức khai thác có hiệu quả các di tích văn hóa - lịch sử gắn với DL như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ và Khu mộ, sự kiện Quân sự ngày 30-10-1967, chùa An Linh, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, Bia tưởng niệm Bến A101, Mộ 21 người ở xã Thạnh Hải, Bia thảm sát tại Khâu Băng xã Thạnh Phong, nơi xuất quân Tiểu đoàn 307... Đồng thời, huyện duy trì hoạt động DL tâm linh kết hợp với lễ hội như: Lễ hội Nghinh Ông xã Thạnh Hải, lễ hội cúng đình. Đồng thời, huyện có hướng khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm cùng làm với dân như: bánh dừa Giồng Luông (Đại Điền), chằm nón lá (Mỹ Hưng), bó chổi (Mỹ An), cá khô (Thạnh Phong). Tiếp tục mời gọi đầu tư vào các dự án DL nghỉ dưỡng biển, kêu gọi đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú thành khách sạn, đầu tư nhà hàng đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách, thúc đẩy liên kết phát triển các tuyến DL trong và ngoài tỉnh.

Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, huyện thu hút 2,5 triệu lượt khách DL. Đến năm 2030, DL trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tạo việc làm cho 2.500 lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển DL tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công nghệ thông tin phục vụ phát triển DL. Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm DL đặc sắc, hấp dẫn để thu hút khách, nhất là khách ngoài tỉnh và khách quốc tế.

Huyện Thạnh Phú đã đề xuất tỉnh xem xét kiến nghị Trung ương có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho phù hợp nhằm kêu gọi đầu tư phát DL bền vững. Đồng thời, hỗ trợ quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển DL trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Kiến nghị với các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các điểm di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện.

Theo Báo Đồng Khởi